Đằng sau cuộc 'đột kích' của Bulgaria vào nhà máy lọc dầu Nga
Bulgaria có thể muốn đảm bảo rằng Lukoil Nga không có cơ hội ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực hoạt động của nhà máy lọc dầu bên Biển Đen trước khi nó được bán đi.
Gần 2 năm kể từ khi xung đột quân sự bùng phát ở Ukraine, Chính phủ Bulgaria đã tiến hành một cuộc thanh tra lớn đối với nhà máy lọc dầu Neftohim thuộc sở hữu của Nga ở Burgas, một thành phố ven Biển Đen.
Quyết định của Sofia nhằm trấn áp chủ sở hữu nhà máy này là Lukoil có thể làm gia tăng bất ổn trong nước, xét đến quy mô mạng lưới của gã khổng lồ dầu khí Nga ở Bulgaria: bao gồm hơn 220 trạm xăng, 9 kho chứa dầu và nhiều doanh nghiệp khác nhau tập trung vào lĩnh vực tiếp nhiên liệu cho tàu và máy bay.
Tạm biệt dầu Nga "vô thời hạn"
Theo Hải quan Bulgaria, chiến dịch thanh tra được tiến hành vào ngày 1/1 vừa qua nhắm vào nhà máy lọc dầu Neftohim và hơn 50 nhà kho liên quan đến ngành dầu mỏ nhằm kiểm kê số lượng dầu thô nhập khẩu vào quốc gia Đông Nam Âu từ Nga và tất cả các sản phẩm dầu mỏ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu này.
Bulgaria là thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất được miễn trừ khỏi lệnh cấm dầu thô Nga đến bằng đường biển do sự phụ thuộc nặng nề của Sofia vào Moscow về năng lượng. Quốc gia Đông Nam Âu này, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong số 4 điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu dầu của Nga.
Ngay cả nhiều chính trị gia "thân châu Âu" nhất ở Bulgaria – chẳng hạn như cựu Thủ tướng Kiril Petkov – ban đầu cũng ủng hộ việc miễn trừ, với lập luận rằng nhà máy lọc dầu Lukoil đã bán nhiên liệu tinh chế cho Ukraine để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Kiev chống lại quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bulgaria là nhà cung cấp diesel chính cho Ukraine, đôi khi được cho là đáp ứng tới 40% nhu cầu về loại nhiên liệu này của Kiev.
Nhưng đã có một thỏa thuận chính trị rộng rãi ở Sofia về việc chấm dứt đặc quyền miễn trừ nói trên. Hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà lập pháp Bulgaria đã nhất trí chấm dứt quyền miễn trừ sớm hơn so với quy định. Theo đó, việc nhập khẩu tất cả các loại dầu thô của Nga sẽ bị ngừng vô thời hạn từ tháng 3 thay vì tháng 10 năm nay.
Neftohim Burgas là nhà máy lọc dầu lớn nhất của Bulgaria - nó cũng trở thành một trong những khách hàng tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất toàn cầu của Nga. Ảnh: CREA
Nhà máy lọc dầu Neftohim của Lukoil sau đó đã được yêu cầu ngừng xuất khẩu bất kỳ sản phẩm dầu mỏ nào được sản xuất từ ngày 1/1/2024. Điều này sẽ kéo theo việc cơ sở này ngừng hoàn toàn việc sử dụng dầu Nga trong các quy trình lọc dầu của mình bắt đầu từ ngày 1/3.
Về phần mình, Lukoil có thể đã "đánh hơi" thấy mùi nguy hiểm đối với việc làm ăn của mình ở quốc gia thành viên EU này. Phản ứng với quyết định của Quốc hội Bulgaria hồi tháng 12, gã khổng lồ năng lượng Nga đã cáo buộc chính quyền Sofia áp dụng "luật phân biệt đối xử và các quyết định chính trị thiên vị, không công bằng khác đối với nhà máy lọc dầu".
Lukoil cho biết sẽ bắt đầu làm việc với các chuyên gia tư vấn quốc tế để xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình tại Bulgaria, bao gồm khả năng sẽ bán bớt tài sản ở nước này. Khối tài sản đồ sộ của Lukoil bao gồm hơn 220 trạm xăng, 9 kho chứa dầu và nhiều doanh nghiệp khác nhau tập trung vào lĩnh vực tiếp nhiên liệu cho tàu và máy bay.
Triển vọng đó đã thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư năng lượng quốc tế. Hôm 25/12 năm ngoái, Đại sứ Azerbaijan tại Bulgaria đã tuyên bố nước ông có thể quan tâm đến việc mua lại nhà máy lọc dầu Neftohim.
Đằng sau cuộc "đột kích"
Trở lại với cuộc thanh tra đột xuất của Chính phủ Bulgaria đối với Neftohim hôm 1/1, động thái mà phía Nga gọi là "đột kích", lý do Sofia làm vậy có thể là vì họ quan tâm đến việc đảm bảo rằng Lukoil không có cơ hội ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực hoạt động của cơ sở này trước khi nó được bán đi.
Cuộc kiểm tra hải quan diễn ra gần đúng một năm sau khi các nhà lập pháp Bulgaria ban hành nghị định rằng nhà máy lọc dầu Neftohim có thể được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Chính phủ Bulgaria trong trường hợp "có mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc nguồn cung các nguồn tài nguyên quan trọng". Đức đã thực hiện chính xác điều này trước đó vào năm 2022, nhằm nắm quyền kiểm soát nhiều nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Nga nằm trên lãnh thổ của mình.
Mặc dù Sofia không nhất thiết là đang chuẩn bị tiếp quản nhà máy lọc dầu Neftohim, nhưng kiểm tra tồn kho có thể là một trong các biện pháp phòng ngừa an ninh năng lượng rộng hơn để đảm bảo cơ sở này vẫn hoạt động kể từ khi Lukoil rút lui cho đến khi bất kỳ bên nào mua lại nó bắt đầu hoạt động kinh doanh.
Đây là một mệnh lệnh chiến lược quan trọng đối với Sofia. Neftohim cung cấp khoảng 80% lượng dầu diesel và xăng cho Bulgaria,và hoạt động của công ty Nga chiếm 1/10 GDP của đất nước.
Lượng dầu thô hàng tháng chảy đến nhà máy Neftohim Burgas (2020 - 2023). Đồ họa: CREA
Trước năm 2022, Bulgaria cũng hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về nhu cầu khí đốt tự nhiên. Việc Sofia từ chối thanh toán sản phẩm bằng đồng Rúp đã khiến Moscow quyết định tạm dừng xuất khẩu mặt hàng này sang Bulgaria.
Năng lượng đã được chứng minh là một yếu tố quan trọng trong chiến lược địa chính trị của Nga đối với EU. Trong khi cuộc chiến ở Ukraine đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hội nhập sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên về mặt nào đó, nó cũng bộc lộ những điểm yếu ở những mặt khác.
Cam kết về lập trường "chống Nga" của Brussels và Berlin thường phải trả giá bằng lợi ích quốc gia trong nước. Trong khi nhiều người dân châu Âu sẵn sàng đối phó với giá năng lượng tăng cao để hỗ trợ Ukraine, thì quần chúng tương đối "thân Nga" ở Bulgaria khiến nước này khác biệt với hầu hết các quốc gia EU khác.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, trong các chính sách của mình, Bulgaria đã cố gắng cân bằng lập trường thù địch của EU đối với Nga và nhu cầu năng lượng của nước này. Nhưng có vẻ như điều trước đang được ưu tiên hơn. Kỳ vọng rõ ràng là giới lãnh đạo EU sẽ hỗ trợ Sofia chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng.
Khi Bulgaria nằm kẹt trong cuộc đấu tay đôi giữa các đối thủ địa chính trị, nước này đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Nga để đảm bảo vị thế của mình đồng thời tạo điều kiện hội nhập chặt chẽ hơn vào EU.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu chiến lược này có thể được duy trì vô thời hạn mà không có sự phản đối đáng kể của công chúng hay không. Sự thất vọng về mối quan hệ kinh tế và chính trị với Brussels góp phần tạo nên bối cảnh chính trị vốn đã căng thẳng của quốc gia Đông Nam Âu.