A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đình chỉ sản xuất tên lửa Đức Taurus, Ukraina hết hy vọng

Hãng vũ khí MBDA cho biết, không thể sản xuất thêm tên lửa Taurus nếu không có đơn đặt hàng từ chính phủ Đức.

Đình chỉ sản xuất tên lửa Đức Taurus, Ukraina hết hy vọng

Tên lửa Taurus. Ảnh: AP

Ông Thomas Gottschild - Giám đốc điều hành chi nhánh Đức của nhà sản xuất vũ khí châu Âu MBDA - thông báo việc sản xuất tên lửa Taurus đang bị đình chỉ. Taurus là tên lửa mà Ukraina liên tục đề nghị Đức cung cấp để sử dụng chống lại Nga.

Cho đến nay, khoảng 600 tên lửa Taurus đã được sản xuất tại một cơ sở ở bang Bavaria, nhưng công ty MBDA không thể sản xuất thêm vì hiện tại không có hợp đồng với chính quyền Đức - ông Thomas Gottschild cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Augsburger Allgemeine hôm 30.3.

Giám đốc điều hành cho biết, các dây chuyền sản xuất tên lửa Taurus vẫn sẵn có, vì vậy MBDA có thể tăng cường việc giao tên lửa bất cứ lúc nào. Ông nói thêm: “Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng tôi cần có đơn đặt hàng mới”.

Ông giải thích, công ty không thể dự trữ tên lửa vì điều đó bị cấm theo luật pháp Đức.

Ông Gottschild nhấn mạnh, việc ngừng sản xuất luôn là một thách thức đối với ngành công nghiệp quốc phòng. “Các nhà cung cấp của chúng tôi, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không đủ khả năng tài chính để duy trì dây chuyền sản xuất. Vì vậy, nếu chúng tôi nhận được đơn đặt hàng mới cho Taurus, các nhà cung cấp của chúng tôi trước tiên sẽ phải tự định vị lại, chẳng hạn phải đảm bảo nguyên liệu thô mà họ cần” - ông giải thích.

Giám đốc điều hành cho biết, tên lửa Taurus có tầm bắn hơn 500km và “chỉ được radar phát hiện rất muộn” khi nó di chuyển ở độ cao thấp. Do đó, tên lửa Taurus đang có nhu cầu cao, đặc biệt là ở Ukraina.

Tuy nhiên, ông Gottschild từ chối trả lời câu hỏi liệu Kiev có nên được cung cấp tên lửa hay không, gọi đây là một "quyết định chính trị" do chính phủ Đức đưa ra.

Thủ tướng Olaf Scholz cho đến nay vẫn từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraina. Hồi giữa tháng 3, ông phát biểu trước quốc hội rằng “đây là một loại vũ khí tầm rất xa” và không thể sử dụng được nếu không có sự triển khai của binh lính Đức”.

Quốc hội Đức hôm 14.3.2024 phản đối lời kêu gọi cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraina. Ảnh: AP

Quốc hội Đức hôm 14.3.2024 phản đối lời kêu gọi cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraina. Ảnh: AP

Tuyên bố này được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi Tổng biên tập RT Margarita Simonyan công bố một đoạn ghi âm bị rò rỉ, trong đó các sĩ quan cấp cao của Đức thảo luận về khả năng sử dụng tên lửa Taurus nhằm vào cầu Crimea.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vụ rò rỉ "một lần nữa khẳng định sự liên quan trực tiếp của cái gọi là phương Tây tập thể trong cuộc xung đột Ukraina”. Trong khi đó, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng, vụ rò rỉ tiết lộ “màu sắc mới của Đức là bài Nga”.

Chính quyền Đức đã xác nhận tính xác thực của đoạn ghi âm nhưng tuyên bố rằng, Nga đã đưa cuộc trò chuyện ra khỏi bối cảnh nhằm cố gắng gây chia rẽ giữa các đồng minh của Ukraina ở phương Tây.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan