Dù mất khí đốt Nga, Transnistria vẫn cự tuyệt khí đốt EU
Mặc dù mất khí đốt Nga, song vùng ly khai Transnistria ở Moldova vẫn không nhận khí đốt từ EU.
Tờ Politico đưa tin, căng thẳng chính trị giữa Moldova và vùng ly khai Transnistria bùng phát trở lại khi Nga cắt nguồn cung khí đốt, khiến hàng trăm nghìn người dân trong vùng phải chịu cảnh không có nước nóng và sưởi ấm.
EU và chính phủ Moldova đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Transnistria chấp nhận nguồn cung cấp năng lượng thay thế, nhưng lời đề nghị này vẫn bị từ chối.
Kể từ ngày 1.1, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Transnistria sau khi thỏa thuận vận chuyển qua Ukraina hết hạn. Điều này đẩy người dân tại vùng ly khai vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, giữa mùa đông khắc nghiệt.
Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu về đối ngoại, bà Anitta Hipper, cho biết Moldova đã đề xuất cung cấp năng lượng từ thị trường châu Âu và hỗ trợ nhân đạo cho Transnistria, nhưng các lãnh đạo thân Nga tại Tiraspol - thủ phủ của vùng ly khai - đã từ chối.
“Chúng tôi kêu gọi Tiraspol hợp tác với chính quyền Moldova để giải quyết vấn đề vì lợi ích của người dân địa phương” - bà Hipper nhấn mạnh.
Thủ tướng Moldova, ông Dorin Recean, cáo buộc Nga đang lợi dụng khủng hoảng năng lượng để gây bất ổn trong khu vực. “Nga ngừng cung cấp khí đốt cho một vùng mà họ kiểm soát, nơi vẫn có quân đội Nga đóng quân và họ không cho phép bất kỳ ai hỗ trợ vùng này” - ông Recean tuyên bố trong một cuộc họp kín với báo giới.
Ông cũng cho rằng hành động này là một phần trong chiến lược của Nga nhằm gây áp lực trước các cuộc bầu cử quốc hội quan trọng tại Moldova vào cuối năm nay.
Các lãnh đạo tại Tiraspol dường như đang chờ đợi sự can thiệp từ Nga. Ông Anatolii Dirun, giáo sư tại Trường Chính trị Tiraspol, nhận định rằng giới chức Transnistria hy vọng Mátxcơva sẽ tìm ra giải pháp trong một hoặc hai tuần tới. “Họ đang cố kéo dài thời gian, chờ Nga can thiệp để giải quyết vấn đề” - ông Dirun nói.
Tuy nhiên, phía Moldova tin rằng cuộc khủng hoảng này có thể là cơ hội để chấm dứt tình trạng ly khai kéo dài hàng thập kỷ của Transnistria.
EU đang phối hợp chặt chẽ với Moldova để theo dõi tình hình. Bà Anna-Kaisa Itkonen, phát ngôn viên EU về năng lượng và nhà ở, cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập một nhóm làm việc với Moldova để giảm thiểu tác động của việc Nga ngừng cung cấp khí đốt. Đây là tình huống rất nghiêm trọng”.