EU "mua dây buộc mình" với các lệnh trừng phạt Nga
Nga cho rằng, EU khó có thể tồn tại nếu không hợp tác với Nga và EU về cơ bản đã tự "mua dây buộc mình" với các lệnh trừng phạt Mátxcơva.
Liên minh châu Âu EU không thể tồn tại nếu không hợp tác với Nga và các quốc gia BRICS - Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga), ông Konstantin Kosachev cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RT. Ông Kosachev đồng thời lưu ý, EU cần Nga nhiều hơn Nga cần EU.
Phó Chủ tịch Thượng viện Nga cho rằng, các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga tạo ra rào cản đáng kể đối với bất kỳ sự hợp tác thực sự nào với EU.
Liên minh châu Âu đã áp đặt 14 vòng trừng phạt Nga sau khi xung đột Ukraina leo thang vào tháng 2 năm 2022. Các biện pháp này nhắm vào dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, các ngân hàng lớn của Nga, nhiều công ty, doanh nhân, chính trị gia và quan chức, cùng với lệnh cấm nhiều mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu.
Bộ Ngoại giao Nga lên án các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp, trong khi Tổng thống Vladimir Putin mô tả chúng là phi lý.
Ông Kosachev chỉ ra rằng, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này sẽ đòi hỏi sự đồng thuận của các quốc gia EU và ngay cả khi đa số ủng hộ việc xóa bỏ chúng, thì sự bất đồng quan điểm của chỉ một số ít quốc gia cũng có thể làm chệch hướng sáng kiến như vậy.
Ông Kosachev kết luận, EU đã mắc kẹt khi tự "mua dây buộc mình", điều này không có lợi cho lợi ích của EU.
"EU đang ở trong bẫy. Và điều này không có lợi cho Liên minh châu Âu" - Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga nhấn mạnh. Mặc dù ông tin Nga sẽ tiếp tục phát triển độc lập với EU, nhưng ông khẳng định rằng sự tồn tại của EU phụ thuộc vào hợp tác của khối này với Nga và các quốc gia BRICS khác.
Đầu tháng 11, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga về mặt kinh tế và chính trị cuối cùng đã thất bại.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho hay, tổng thiệt hại từ việc EU áp đặt các lệnh trừng phạt Nga và các hạn chế đối với hoạt động kinh tế của nước này được cho là vào khoảng 1.500 tỉ USD, theo "ước tính thận trọng nhất".
Theo một số quốc gia EU, các lệnh trừng phạt đã gây tổn hại cho khối này nhiều hơn là Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo, chính sách trừng phạt của EU cần được xem xét lại, nếu không sẽ có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 được tổ chức vào tháng 10 vừa qua tại Kazan - hội nghị đầu tiên kể từ khi nhóm mở rộng để bao gồm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - đã nhấn mạnh, Nga vẫn kết nối toàn cầu bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các phái đoàn từ 35 quốc gia đã tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024. Hơn 30 quốc gia, bao gồm cả thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS. BRICS hiện chiếm khoảng 37,3% GDP toàn cầu so với 14,5% của EU.