Hàn Quốc: Điều gì xảy ra khi lương tối thiểu theo giờ đạt 10.000 won?
Lương tối thiểu ở Hàn Quốc trong năm 2018 đã tăng 16,4% và 10,9% trong năm 2019. Chi phí lao động tăng mạnh đã dẫn đến việc thu hẹp việc làm trong khu vực tự kinh doanh.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) ngày 26/6 đã công bố một báo cáo phân tích tác động của việc tăng lương tối thiểu và việc làm.
Theo lập luận trong báo cáo này, nếu mức lương tối thiểu theo giờ hiện là 9.620 won ở Hàn Quốc được tăng lên 10.000 won vào năm tới, thì sẽ có khoảng 69.000 việc làm bị mất.
Báo cáo của FKI có tiêu đề “Tác động của việc tăng lương tối thiểu đối với việc làm” do giáo sư Choi Nam-seok thuộc Đại học Quốc gia Chonbuk chủ trì.
Báo cáo ước tính tác động giảm việc làm căn cứ theo tỷ lệ tăng lương tối thiểu hàng năm thông qua bảng theo dõi dữ liệu về số việc làm mới được tạo ra hàng năm trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 của Hội đồng Phúc lợi Hàn Quốc.
Báo cáo dự đoán rằng nếu mức lương tối thiểu của năm 2024 được nâng lên mức 10.000 won, tăng 3,95% so với năm nay thì sẽ có từ 28.000 việc làm đến 69.000 việc làm bị giảm. Con số việc làm bị giảm trên tương đương với từ 8,9% đến 22,0% tổng số 314.000 việc làm mới bình quân mỗi năm được tạo ra trong 5 năm qua kể từ năm 2018 ở Hàn Quốc.
Báo cáo cho biết nếu mức lương tối thiểu được nâng lên 12.210 won vào năm tới theo yêu cầu của hiệp hội người lao động, ước tính số người mất việc làm sẽ tăng từ mức tối thiểu 194.000 đến tối đa 470.000. Trong số đó, đối tượng bị mất việc làm chủ yếu rơi vào người yếu thế như thanh niên, tầng lớp thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Giáo sư Choi Nam-seok cho biết gần đây, các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn do doanh thu giảm và hàng tồn kho tăng vì suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu, đối tượng doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với những khó khăn trầm trọng hơn.
Báo Donga Ilbo cho biết Hàn Quốc hiện đang áp dụng mức lương tối thiếu theo giờ 9.620 won. Chi phí nhân công tăng khiến loại hình kinh doanh dịch vụ ở Hàn Quốc đang chuyển nhanh sang dịch vụ tự thanh toán hoặc dùng robot để giảm bớt chi phí.
Lương tối thiểu ở Hàn Quốc trong năm 2018 đã tăng 16,4% và 10,9% trong năm 2019 sau khi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức. Chi phí lao động tăng mạnh đã dẫn đến việc thu hẹp việc làm trong khu vực tự kinh doanh.
Thống kê cho biết số lượng cửa hàng không người bán (tự thanh toán) trong chuỗi 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất ở Hàn Quốc gồm GS25, CU, 7-Eleven và Emart 24 đã tăng 15,9 lần trong 3 năm từ 208 cửa hàng vào năm 2019 lên 3.310 cửa hàng vào năm 2022.
Điều này là do ngày càng có nhiều chủ cửa hàng tiện lợi lựa chọn chuyển sang mô hình kinh doanh không người bán do gánh nặng chi phí nhân công lao động./.