Khách hàng khí đốt nửa thế kỷ chấm dứt quan hệ với Nga
Công ty OMV của Áo chấm dứt hợp đồng khí đốt với Gazprom Nga sau tranh cãi về nguồn cung.
Reuters đưa tin, công ty OMV của Áo ngày 11.12 cho biết, đã chấm dứt hợp đồng mua khí đốt dài hạn với Gazprom sau khi công ty Nga này ngừng giao hàng vào tháng trước trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng liên quan đến xung đột ở Ukraina.
Quyết định này đánh dấu sự kết thúc chính thức của hợp đồng kéo dài 50 năm, vốn đã bị đình trệ khi Gazprom dừng cung cấp khí đốt cho OMV. Động thái nói trên xảy ra sau khi OMV thắng kiện trọng tài về một hợp đồng khác và tuyên bố sẽ bù đắp khoản thiệt hại 230 triệu euro (241 triệu USD) bằng cách không thanh toán các hóa đơn trong hợp đồng chính với Gazprom.
"OMV hôm nay thông báo chấm dứt hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với Gazprom Export, với lý do Gazprom Export đã vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản trong hợp đồng. Việc chấm dứt này có hiệu lực ngay lập tức" - OMV tuyên bố trong một thông cáo, đề cập đến việc Gazprom ngừng cung cấp.
Hợp đồng này ban đầu dự kiến kéo dài đến năm 2040.
OMV từng là một trong số ít khách hàng lớn tại châu Âu tiếp tục mua khí đốt từ Gazprom sau khi phần lớn các nước cắt đứt quan hệ khí đốt với Nga kể từ khi xung đột Ukraina nổ ra vào năm 2022. Trước cuộc xung đột, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu.
Mặc dù hợp đồng giữa OMV và Gazprom đã bị chấm dứt, dòng khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục chảy vào Áo theo đường ống dẫn khí qua Ukraina và Slovakia, nhưng với khối lượng giảm đáng kể. Điều này đã làm dấy lên nhiều ý kiến chỉ trích về sự phụ thuộc của Áo vào khí đốt Nga, mặc dù Áo đã chuẩn bị các phương án dự phòng và tích trữ lượng khí đốt lớn để đảm bảo nguồn cung.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer khẳng định trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng: "Gazprom không tuân thủ hợp đồng, và đó là lý do OMV chấm dứt hợp đồng ngay lập tức".
Ông cũng nhấn mạnh: "Nguồn cung năng lượng của chúng tôi đã được đảm bảo vì chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Áo sẽ không để Nga đe dọa bằng cách sử dụng khí đốt làm vũ khí".
Việc chấm dứt hợp đồng này không chỉ là quyết định kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị lớn. OMV, với 31,5% cổ phần do chính phủ Áo nắm giữ, đã phải đối mặt với áp lực từ cả trong và ngoài nước để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Dù quyết định này thể hiện sự cứng rắn của Áo trước những động thái được cho là "vũ khí hóa năng lượng" của Nga, nó cũng đặt ra nhiều thách thức về việc duy trì an ninh năng lượng trong bối cảnh mùa đông đang tới gần.
Tình hình càng làm nổi bật vai trò của Nga trong việc cung cấp năng lượng toàn cầu, cũng như những nỗ lực của các nước châu Âu nhằm giảm phụ thuộc vào Nga bằng cách chuyển sang các nguồn cung khác, bao gồm khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các quốc gia khác.