A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga bị tòa án châu Âu bác đơn kháng cáo vụ kiện 50 tỉ USD

Tòa phúc thẩm Amsterdam, Hà Lan đã bác đơn kháng cáo mới nhất của Nga trong vụ kiện 50 tỉ USD liên quan tới công ty dầu mỏ Yukos hiện không còn tồn tại.

Nga bị tòa án châu Âu bác đơn kháng cáo vụ kiện 50 tỉ USD

Tòa án Hà Lan ra phán quyết mới nhất về vụ kiện 50 tỉ USD của Nga. Ảnh: AFP

Công ty năng lượng khổng lồ Nga Yukos phá sản năm 2006 sau khi không trả được hàng nghìn tỉ USD tiền thuế truy thu.

Phán quyết mới nhất của tòa án ở Hà Lan liên quan đến phiên tòa kéo dài hàng thập kỷ tại Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay. Năm 2014, Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết rằng, Nga đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế khi thực hiện các bước cho phá sản Yukos vào đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, Mátxcơva khẳng định, tranh chấp với các cổ đông của công ty dầu mỏ khổng lồ này nằm ngoài thẩm quyền của bất kỳ tòa án nước ngoài nào.

Theo thông cáo ngày 20.2 của tòa án Amsterdam, khiếu nại của Nga rằng, các cổ đông có hành vi gian lận trong quá trình tố tụng trọng tài được đưa ra quá muộn. Ngay cả khi khiếu nại được xem xét lại cũng sẽ không thay đổi phán quyết của trọng tài. “Kết luận là các phán quyết của trọng tài vẫn có hiệu lực" - tòa án Amsterdam nêu rõ.

Năm 2014, tòa trọng tài yêu cầu Nga bồi thường 50 tỉ USD cho các cổ đông cũ kiểm soát Yukos gồm: Hulley Enterprises và Veteran Petroleum có trụ sở tại Cyprus, Yukos Universal có trụ sở tại Đảo Man. Sau đó, Tòa án Tối cao Hà Lan đã tuyên bố hủy bỏ phán quyết.

Các cổ đông cũ của Yukos cho rằng, chính phủ Nga khiến công ty phá sản vì lý do chính trị và đã khởi kiện tại một số khu vực pháp lý, trong đó có Mỹ.

Công ty tư nhân Yukos được thành lập sau khi Liên Xô tan rã và nhanh chóng trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới. Người sáng lập công ty là Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga. Tuy nhiên, ông bị bắt, bị buộc tội lừa đảo năm 2003 và ngồi tù đến năm 2013.

RT lưu ý, trong vụ việc liên quan tới Yukos, Nga phủ nhận các cáo buộc. Năm 2020, Tòa án Hiến pháp Nga ra phán quyết, Nga có thể từ chối thanh toán bất kỳ khoản bồi thường nào do các thẩm phán Hà Lan áp đặt. Cơ sở cho việc phân xử là các điều khoản của Hiệp ước Hiến chương năng lượng (Energy Charter Treaty) mà Mátxcơva đã ký.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan