A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngoại lệ hợp tác hiếm hoi giữa Nga và phương Tây

Nga và phương Tây vẫn tìm kiếm được lĩnh vực hợp tác chung hiếm hoi giữa khủng hoảng quan hệ.

Ngoại lệ hợp tác hiếm hoi giữa Nga và phương Tây

Một cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực năm 2019. Ảnh: Hội đồng Bắc Cực

Khi các quốc gia Bắc Cực diễn tập trực tuyến mô phỏng một vụ tràn dầu lớn ở ngoài khơi phía bắc Na Uy hồi tháng 3, Nga cũng tham gia. Theo trang Euractiv, đây là dấu hiệu hợp tác hiếm hoi giữa Nga và phương Tây, làm nổi bật vị thế đặc biệt của vùng cực.

Mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia phương Tây đã rơi vào tình trạng đóng băng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.2022, nhưng Na Uy - chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bắc Cực - vẫn muốn duy trì hợp tác hạn chế với Nga thông qua tổ chức này.

Ole Kristian Bjerkemo, người phụ trách cuộc diễn tập trực tuyến nói trên, cho biết: “Chúng tôi đã liên lạc tốt trong cuộc diễn tập về sự cố tràn dầu với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Nga. Nga cũng đề nghị hỗ trợ và chúng tôi chấp nhận”.

Hội đồng Bắc Cực gồm 8 quốc gia Bắc Cực: Mỹ, Canada, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland và Nga. Hội đồng Bắc Cực xử lý các vấn đề từ ô nhiễm và phát triển kinh tế đến các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ.

Bảy quốc gia phương Tây - hiện đều là thành viên NATO - đã tạm dừng hợp tác với Nga sau khi bùng phát chiến sự Ukraina, khiến 1/3 trong số 130 dự án của Hội đồng bị đình trệ vì không có sự tham gia trực tiếp của Nga. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Hội đồng có thể sụp đổ hoàn toàn, gây nguy hiểm cho an ninh Bắc Cực và làm suy yếu các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn khu vực.

Ảnh:

Hội đồng Bắc Cực gồm 8 quốc gia Bắc Cực: Mỹ, Canada, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland và Nga. Ảnh: Đại học Lapland

Na Uy muốn tránh kết quả như vậy. Thứ trưởng Ngoại giao Maria Varteressian nói với Reuters, mục tiêu của Na Uy là đảm bảo rằng Hội đồng Bắc Cực tồn tại.

Hội đồng Bắc Cực, được thành lập vào năm 1996, từ lâu đã được coi là diễn đàn quan trọng cho sự hợp tác giữa phương Tây và Nga, đưa ra các thỏa thuận ràng buộc về bảo vệ và bảo tồn môi trường.

Nga chiếm khoảng 1/3 toàn bộ khu vực Bắc Cực và đứng sau gần 70% hoạt động kinh tế ở các vĩ độ cao.

Khi bắt đầu chiến sự Ukraina, nhiều chuyên gia vùng cực đã báo trước sự kết thúc của “chủ nghĩa ngoại lệ” ở Bắc Cực - một khái niệm thời hậu Chiến tranh Lạnh mô tả Bắc Cực như một nơi độc đáo do vị trí địa lý và lịch sử đến mức nó miễn nhiễm với một số căng thẳng địa chính trị và do đó là một diễn đàn cho hợp tác hòa bình.

Một số diễn biến gần đây đã củng cố thêm sự bi quan của các chuyên gia.

Tháng 9 năm ngoái, Nga rút khỏi Hội đồng châu Âu-Bắc Cực Barents, một diễn đàn khu vực Bắc Cực khác. Và vào tháng 2, Nga đình chỉ các khoản thanh toán tự nguyện hàng năm cho Hội đồng Bắc Cực.

Tuy nhiên, ban thư ký của Hội đồng Bắc Cực cho biết vào tháng 2 rằng họ sẽ nối lại các cuộc họp nhóm công tác về các vấn đề môi trường và an toàn theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của Nga.

Pavel Devyatkin, nhà nghiên cứu Viện Bắc Cực của Mỹ tại Mátxcơva, cho biết: “Những gì chúng tôi thấy trong thời gian Na Uy làm chủ tịch là Nga và phương Tây vẫn có thể hợp tác”.

Nhóm làm việc của Hội đồng chuyên theo dõi khí hậu và môi trường trong khu vực sẽ sớm công bố ba báo cáo - về những thay đổi của khí hậu Bắc Cực, ô nhiễm vi nhựa và phóng xạ - vốn đã bị trì hoãn do chiến sự Ukraina.

Báo cáo về mức độ phóng xạ yêu cầu dữ liệu đáng kể từ Mátxcơva vì có một đồng tác giả là người Nga và bao gồm dữ liệu sâu rộng của Nga.

Na Uy và Nga có chung đường biên giới Bắc Cực và vẫn hợp tác trong các vấn đề thực tế như quản lý nghề cá ở Biển Barents.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan