Nord Stream khiến EU ngậm đắng nuốt cay
Liên minh châu Âu (EU) thay vì điều tra triệt để và lên tiếng mạnh mẽ, lại chọn cách im lặng trước hành động phá hoại Nord Stream, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga.
Đường ống dẫn khí Nord Stream. Ảnh: Gazprom
Vụ phá hoại các đường ống dẫn khí Nord Stream không chỉ là một sự kiện địa chính trị gây chấn động, mà theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, nó còn là tấm gương phản chiếu “sự bất lực tuyệt đối” của châu Âu trong việc tự bảo vệ các lợi ích quốc gia của chính mình.
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, ông Grushko thẳng thừng nhận định: “Toàn bộ câu chuyện Nord Stream đã phơi bày rõ sự bất lực của người châu Âu trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Họ phải ngậm đắng nuốt cay trước hành động phá hoại này”.
Thứ trưởng Grushko nhấn mạnh, vụ tấn công vào hệ thống Nord Stream - tuyến đường ống dẫn khí đốt Nga sang Đức qua biển Baltic - là một hành vi phá hoại nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế cốt lõi không chỉ của Đức mà của toàn châu Âu. Tuy nhiên, thay vì điều tra triệt để và lên tiếng mạnh mẽ, EU và các thủ đô lớn ở châu Âu lại chọn cách im lặng.
“Đây là một hành động khủng bố rõ ràng, thế nhưng người châu Âu lại chấp nhận nó như thể không có chuyện gì xảy ra” - ông Grushko nói.
Rò rỉ khí đốt trên đường ống Nord Stream sau vụ nổ tháng 9.2022. Ảnh: Xinhua
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh EU đang xem xét vòng trừng phạt mới nhằm vào dầu và khí đốt Nga, đồng thời tăng cường nỗ lực tách khỏi năng lượng Nga - một hướng đi mà Mátxcơva cho là “tự bắn vào chân mình”.
Sau vụ phá hoại Nord Stream vào tháng 9.2022, dòng khí đốt từ Nga sang Đức gần như bị cắt hoàn toàn. Hệ quả là hàng loạt quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng khan hiếm năng lượng, giá điện và khí đốt tăng vọt, chi phí sinh hoạt leo thang, doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.
Ông Grushko cảnh báo, việc châu Âu quay lưng với năng lượng Nga không chỉ là một quyết định sai lầm chiến lược, mà còn đang đẩy cả khối EU vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu hơn, ảnh hưởng đến đời sống hàng chục triệu người dân.
“Việc từ bỏ năng lượng Nga là cú đòn giáng mạnh vào nền kinh tế EU và phúc lợi của người dân. Cái giá phải trả sẽ ngày càng lớn” - ông nói.
Tuyên bố của Thứ trưởng Grushko đặt ra một câu hỏi gai góc, liệu châu Âu có còn độc lập trong các quyết sách an ninh và năng lượng, hay đang bị chi phối bởi các thế lực ngoài khu vực?
Việc không làm rõ trách nhiệm trong vụ phá hoại Nord Stream, cùng với xu hướng ngày càng phụ thuộc vào khí hóa lỏng Mỹ (LNG), đang dấy lên tranh luận nội bộ trong chính EU, dù đa phần vẫn chưa được công khai trên mặt báo.