A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thảm kịch ở Itaewon không đơn thuần là một vụ giẫm đạp

Các chuyên gia cho rằng trong thảm kịch ở Itaewon, mọi người thậm chí không có khoảng không để di chuyển. Đám đông xô đẩy, ngã lên nhau và chết chủ yếu do ngạt thở.

Đám đông hỗn hoạn trong đêm 29/10 tại Itaewon, Seoul, Hàn Quốc.

Hơn 150 người thiệt mạng trong đám đông tham dự lễ hội Halloween ở Itaewon (Seoul), bữa tiệc quy mô lớn đầu tiên trong dịp lễ hội tại Hàn Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát, theo The Washington Post.

G. Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông và là giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, cho biết sự kiện này có thể được mô tả như "crowd crush" (đám đông chèn ép nhau) hoặc "surge" (đám đông di chuyển nhanh, đột ngột), nhưng không phải là một vụ giẫm đạp (stampede).

"Crush" hay "surge" xảy ra khi mọi người tập trung lại với nhau trong một không gian hạn chế và có những chuyển động như xô đẩy khiến đám đông ngã nhào. Về cơ bản, ông Still nói đó là "hiệu ứng domino".

Trong khi đó, giẫm đạp ngụ ý rằng mọi người có không gian để chạy. Theo vị chuyên gia, điều này không xảy ra ở Itaewon. Càng có nhiều người trong đám đông, sức ép càng lớn.

"Cả đám đông đều ngã xuống. Nếu ở trong một không gian hạn chế, thì mọi người sẽ không thể đứng dậy được nữa", ông Still nói thêm.

Mọi người ngã xuống như những quân cờ domino

Trong bài đăng trên Twitter vào tối 29/10, một người tự nhận mình ở trong đám đông tại Itaewon mô tả mọi người "ngã xuống như những quân cờ domino và bắt đầu la hét".

"Tôi thực sự cảm thấy như mình sẽ bị nghiền nát cho đến chết. Tôi thở qua một cái lỗ, khóc và nghĩ rằng mình sắp chết".

Người này mô tả mình ở gần phía bên ngoài đám đông nên có thể cầu cứu và được những người ở gần đó kéo ra ngoài.

halloween han quoc anh 1

Ít nhất 151 người thiệt mạng trong thảm kịch Halloween tại Itaewon.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một người sống sót nói rằng mình liên tục bị đẩy xuống một con hẻm tại Itaewon, dẫn đến những người khác la hét và ngã theo. "Tôi nghĩ rằng mình cũng sẽ bị đè chết khi mọi người tiếp tục xô đẩy mà không nhận ra có người ngã xuống ngay từ đầu".

Một người phụ nữ họ Park nói với Yonhap: "Tôi có thể sống sót vì đứng ngoài rìa. Có vẻ như những người ở giữa phải chịu đựng nhiều nhất".

Theo ông Still, trong thời gian hỗn loạn, áp lực từ nhiều phía của những người trong đám đông khiến các nạn nhân khó thở. Sau 6 phút, những người này rơi vào trạng thái bất tỉnh, ngạt thở, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ hỗn loạn.

"Mọi người cũng có thể bị thương ở chân, tay và bất tỉnh khi họ đang cố gắng thở và thoát khỏi đám đông. Sau khoảng 30 giây, tình trạng suy giảm tuần hoàn máu não xảy ra khiến nhiều người bị chếnh choáng".

"Mọi người không chết vì hoảng sợ"

Sự gia tăng di chuyển của đám đông có thể được kích hoạt bởi nhiều tình huống, chẳng hạn như khi mọi người xô đẩy người khác hoặc nếu ai đó đi cùng, ông Still nói.

Nhưng tình huống nguy hiểm thường không phải do những người gặp nạn gây ra hoặc cố gắng thoát ra khỏi đám đông. Những phản ứng đó thường xảy ra sau khi đám đông bắt đầu sụp đổ, chuyên gia giải thích.

"Mọi người không chết vì hoảng sợ. Chúng ta hoảng sợ vì nghĩ mình sắp chết. Vì vậy, hỗn loạn xảy ra khi các cơ thể ngã xuống, mọi người ngã đè lên nhau, cố gắng đứng dậy nhưng bất lực khi tay và chân xoắn vào nhau".

Những vụ việc tương tự đã xảy ra trên khắp thế giới, bao gồm cuộc bạo loạn hồi đầu tháng 10, trên một sân vận động ở Indonesia, khiến 130 người thiệt mạng và tai nạn tại Lễ hội Astroworld ở Texas, khiến 10 người chết vào năm ngoái.

Tại Astroworld, hầu hết những người thiệt mạng đều đứng gần nhau ở góc phần tư phía nam của địa điểm. Khu vực này có hàng rào kim loại bao quanh, có thể sẽ nén chặt mọi người nếu một đám đông tràn đến gần họ, không có khoảng không để điều tiết dòng người.

halloween han quoc anh 2

Người dân thương tiếc các nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỗn loạn ở Itaewon.

Norman Badler, giáo sư tại Đại học Pennsylvania, cho biết mặc dù thảm kịch ở Itaewon xảy ra trên một con phố, đám đông quá dày đặc khiến việc di chuyển bị hạn chế và không có cách nào để mọi người có thể thoát ra theo chiều thẳng đứng.

Trong năm qua, đám đông đã tụ tập thường xuyên hơn kể từ khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng. Đây cũng là lý do khiến số lượng người đến các sự kiện lớn tăng đột biến. Nhiều người tham dự lễ hội Halloween ở Itaewon bởi vì họ đã bị hạn chế quá lâu.

Ông Badler nói thêm rằng sự gia tăng các cuộc tụ tập đông người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo quản lý đám đông, điều này đã giảm dần khi đại dịch bùng phát vì các sự kiện lớn không phổ biến.

Martyn Amos, giáo sư tại Đại học Northumbria ở Anh, người nghiên cứu về đám đông, cho biết những sự kiện lớn này cần có kế hoạch phù hợp và những người được đào tạo để quản lý đám đông.

"Những thảm kịch tương tự sẽ tiếp tục xảy ra nếu chúng ta không áp dụng các quy trình quản lý đám đông thích hợp để dự đoán, phát hiện và ngăn chặn mật độ đám đông cao đến mức nguy hiểm", Amos kết luận.


Tác giả: Lê Vy (Ảnh: Reuters, AFP)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật