Trọng tâm chuyến công du Âu - Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến thăm 3 nước Châu Âu, Canada và Mỹ trong chuyến đi mở màn trên cương vị là chủ tịch G7 năm 2023.
Ưu tiên của Nhật Bản trong vai trò chủ tịch G7
Ngày 9.1, Thủ tướng Fumio Kishida tới Paris trong chặng đầu tiên của chuyến công du 5 quốc gia phương Tây (Pháp, Italia, Anh, Canada và Mỹ) nhằm đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới tại Hiroshima, nơi Tokyo hy vọng sẽ nêu bật những thách thức an ninh ở Đông Á.
Theo AP, tại cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tối 9.1, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẵn sàng tăng cường hợp tác trên mặt trận an ninh, như thông qua tiến hành các cuộc tập trận chung. "An ninh của Châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là không thể tách rời" - Thủ tướng Kishida nói.
Hai bên cũng công bố kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán an ninh "2 + 2" giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước trong nửa đầu năm nay.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Italia Giorgia Meloni ngày 10.1, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, thương mại và quốc phòng, đồng thời nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.
Ngày 11.1, tại London, Thủ tướng Fumio Kishida và Thủ tướng Anh Rishi Sunak ký một thỏa thuận quốc phòng, cho phép hai nước triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau - động thái mới nhất hướng tới quan hệ an ninh chặt chẽ hơn.
Trong khi năm ngoái, các nước G7 khác tập trung vào cuộc xung đột Ukraina ngay ngưỡng cửa Châu Âu thì ông Kishida - với tư cách là người đứng đầu nước thành viên Châu Á duy nhất của G7 - hy vọng tranh thủ sự hợp tác về các vấn đề an ninh ở khu vực láng giềng của Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên. Thách thức cấp bách nhất của G7 năm nay vẫn là xung đột ở Ukraina, và các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về việc duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga và hỗ trợ cho Ukraina.
Thủ tướng Kishida coi hội nghị thượng đỉnh G7 ở quê nhà Hiroshima vào tháng 5 tới là cơ hội để xây dựng động lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông Kishida sẽ ủng hộ khái niệm của Nhật Bản về "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Tăng cường sức mạnh liên minh Nhật - Mỹ
Cuộc hội đàm của Thủ tướng Kishida với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13.1 dự kiến sẽ là trọng tâm nổi bật trong chuyến công du lần này, nhấn mạnh sức mạnh của liên minh Nhật - Mỹ và cách hai nước có thể hợp tác chặt chẽ hơn theo các chiến lược an ninh và quốc phòng mới của Nhật Bản.
Tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua các cải cách quan trọng về an ninh và quốc phòng, bao gồm khả năng "phản công", nhằm phá vỡ nguyên tắc chỉ "tự vệ" hoàn toàn mà nước này duy trì từ sau Thế chiến 2.
Tokyo cho biết, việc triển khai các tên lửa đánh chặn hiện tại là không đủ để bảo vệ Nhật Bản trước sự phát triển vũ khí nhanh chóng của Trung Quốc và Triều Tiên.
Theo các chiến lược mới, Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu triển khai các tên lửa hành trình tầm xa vào năm 2026, tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm lên mức tiêu chuẩn của NATO là khoảng 2% GDP từ mức 1% hiện tại và nâng cao năng lực không gian mạng, tình báo.
“Tôi tin rằng cuộc gặp với Tổng thống Biden sẽ là cơ hội quý giá để khẳng định sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi trong việc tăng cường hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ và nỗ lực cùng nhau hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và có trách nhiệm” - Thủ tướng Kishida phát biểu trước chuyến công du, đồng thời nói thêm rằng đây sẽ là cơ hội để thể hiện lập trường của Nhật Bản và Mỹ với cộng đồng quốc tế.
Chiến lược mới của Nhật Bản đã được chính quyền Tổng thống Biden và một số thành viên Quốc hội đón nhận nồng nhiệt. Các chuyên gia cho rằng, chiến lược cũng sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác khu vực chính là Australia và có thể là Hàn Quốc.
Christopher Johnstone, cố vấn cấp cao và chủ tịch Nhật Bản của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết, đây là cơ hội để suy nghĩ lại và cập nhật cấu trúc cũng như cơ chế của liên minh.
Tuy nhiên, theo ông, việc Nhật Bản tập trung vào khả năng tấn công và ngân sách là một “chương trình nghị sự khó khăn” đáng hoan nghênh nhưng sẽ cần rất nhiều sự hợp tác với Mỹ.