A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc phát hiện mộ cổ gia tộc 1.800 năm chứa đầy cổ vật

Ngôi mộ cổ thuộc về một gia tộc Trung Quốc từ thời Tây Hán vừa được phát hiện ở tỉnh Sơn Đông.

Trung Quốc phát hiện mộ cổ gia tộc 1.800 năm chứa đầy cổ vật

Cổ vật được khai quật trong mộ cổ 1.800 tuổi ở Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình

SCMP đưa tin, khoảng 1.800 năm trước, một gia tộc ở miền đông Trung Quốc đã xây dựng ba ngôi mộ hoành tráng để làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người thân yêu của họ.

Tuy nhiên, một trong những ngôi mộ không bao giờ được phát hiện, hai ngôi mộ còn lại bị lãng quên từ nhiều thế kỷ trước, khiến chúng không bị xáo trộn qua vô số thế hệ.

Đến cuối năm 2023, các công nhân khi đang mở rộng công viên ở tỉnh Sơn Đông đã phát hiện gò đất bị hư hỏng một phần và bắt đầu khai quật.

Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: “Mặc dù hai trong số ba ngôi mộ được khai quật ở nghĩa trang Dazhuangzi đã bị cướp nhưng cấu trúc của các ngôi mộ vẫn tương đối rõ ràng và một lượng lớn di vật đã được khai quật”.

Điều hiếm gặp là hai trong số ba ngôi mộ được khai quật có con dấu và có cùng họ Huân. Những ngôi mộ có niên đại từ thời Tây Hán (từ năm 202 trước Công nguyên đến năm 9 sau Công nguyên), đặc biệt đáng chú ý nhờ cấu trúc rõ ràng với những đặc điểm dân cư điển hình.

Hai trong số ba ngôi mộ được phát hiện có con dấu và cùng mang họ Huân. Ảnh: kaogu.cssn.cn

Hai trong số ba ngôi mộ được phát hiện có con dấu và cùng mang họ Huân. Ảnh: kaogu.cssn.cn

Ngôi mộ được bảo quản tốt, có cửa mộ, lối đi và buồng quan tài. Mặc dù quan tài được bảo quản tốt nhưng xương bên trong đã bị phân hủy qua hàng thiên niên kỷ.

Viện Khảo cổ học cho hay, việc phát hiện ra cấu trúc quan tài được chế tác tinh xảo, đặc biệt là cỗ xe chở quan tài, cung cấp tài liệu quý giá để nghiên cứu phong tục chôn cất của nhà Hán dọc theo bờ biển phía đông nam của Sơn Đông.

Các di vật bao gồm đồ gốm, một thanh kiếm sắt, một chiếc gương bằng đồng và một loạt đồ vật bằng gỗ. Ngoài ra, còn có những chiếc cốc sơn mài - có thể được dùng để uống rượu cổ - được chôn trong một chiếc hộp lớn tại địa điểm này.

Đồ gốm tráng men được phát hiện trong mộ cổ. Ảnh: kaogu.cssn.cn

Đồ gốm tráng men được phát hiện trong mộ cổ. Ảnh: kaogu.cssn.cn

Một phát hiện đặc biệt nổi bật là con dấu của gia tộc họ Huân có hình con rùa làm bằng đồng.

Cuộc khai quật diễn ra từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024 tại Nhật Chiếu, thành phố ven biển nổi tiếng với việc thúc đẩy lối sống tái tạo. Thành phố yêu cầu các tòa nhà mới phải lắp đặt điện mặt trời và vào năm 2009, Liên Hợp Quốc cho biết đây là một trong những thành phố dễ sống nhất trên thế giới.

Các nhà khảo cổ tin rằng những ngôi mộ này có từ triều đại Tây Hán.

Nhà Hán là hoàng triều thứ hai trong lịch sử Trung Quốc, do thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Lưu Bang thành lập và được cai trị bởi gia tộc họ Lưu. Nhà Hán bị gián đoạn tạm thời khi nhiếp chính Vương Mãng tiếm quyền, lập nên nhà Tân (năm 9-23). Nó tồn tại qua hai thời kỳ: Tây Hán (năm 202 trước Công nguyên - năm 9 sau Công nguyên) và Đông Hán (năm 25-220) trước khi thời kỳ Tam Quốc mở ra.

Trải dài hơn bốn thế kỷ, nhà Hán được coi là triều đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc vì những thành công kinh tế và những bước nhảy vọt về khoa học công nghệ, như sản xuất giấy, đưa số âm vào toán học và thậm chí cả công nghệ phát hiện động đất sớm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan