A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ lệ sống thử tăng kỷ lục ở Hàn Quốc

Để cắt giảm chi phí nhà ở, sinh hoạt, nhiều người trẻ xứ củ sâm lựa chọn sống chung. Tuy nhiên, họ chưa sẵn sàng kết hôn, sinh con vì nhiều lý do khác nhau.

Jeong (29 tuổi), nhân viên văn phòng, sống cùng bạn trai được trong một căn hộ nhỏ ở quận Yeongdeungpo (Seoul, Hàn Quốc). Họ dọn về chung một nhà hơn 2 năm trước để tiết kiệm tiền thuê hàng tháng và có nhiều thời gian cho nhau.

"Tôi cảm thấy an toàn hơn so với sống một mình, cả về tình cảm lẫn vật chất. Chúng tôi cùng làm việc nhà và chăm sóc nhau khi đối phương bị ốm. Tất nhiên đôi lúc cũng xảy ra cãi vã nhưng cả hai nhanh chóng làm hòa vì phải gặp 'nửa kia' mỗi ngày", Jeong chia sẻ với Korea Times.

Jeong cho biết cô và người yêu có dự định kết hôn trong tương lai nhưng không phải bây giờ.

"Cưới hỏi là một quyết định lớn trong đời nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho nó. Dù sao thì chúng tôi đã coi nhau như gia đình", cô nói thêm.

Nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi không phải là trường hợp duy nhất có quyết định như vậy. Cơ cấu hộ gia đình ở xứ kim chi đang thay đổi nhanh chóng với các hình thức đa dạng.

Tỷ lệ những đôi trẻ sống chung trước khi kết hôn tăng đáng kể trong những năm gần đây, theo dữ liệu điều tra dân số mới nhất của Cục Thống kê Hàn Quốc.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc ngày càng thoải mái với việc sống thử trước khi kết hôn. Ảnh: Reuters.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc ngày càng thoải mái với việc sống thử trước khi kết hôn. Ảnh: Reuters.

Một báo cáo được công bố hôm 1/8 cho thấy vào năm 2021, 1,01 triệu người ở quốc gia này thuộc nhóm các hộ gia đình có thành viên không cùng huyết thống, con số cao nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu thực hiện thống kê và tăng 74% so với năm 2016.

Với nhiều người trẻ xứ củ sâm, khái niệm gia đình không còn bó buộc với hình ảnh cha mẹ, con cái, vợ chồng cùng chung sống mà có nhiều lựa chọn hơn.

Theo Korea Times, định nghĩa "sống cùng nhưng không phải người thân" cũng khá phổ biến và được dùng để chỉ những người ở chung nhà nhưng không có quan hệ huyết thống.

Chẳng hạn, hai sinh viên đại học thuê một căn hộ hoặc đôi trẻ chung sống trước khi kết hôn là ví dụ điển hình cho trường hợp này.

Năm 2016, số hộ gia đình có thành viên không cùng máu mủ ở Hàn là 269.444. Xu hướng đó đã tiếp tục tăng trong vài năm gần đây lên 308.659 (2017), 423.459 (2020) và 470.000 (2021).

Tuy nhận thức của xã hội đang thay đổi nhanh chóng, Luật Dân sự của Hàn Quốc vẫn quy định gia đình được dựa trên nền tảng kết hôn, sinh con hoặc nhận con nuôi.

Các cặp đôi, bạn cùng phòng, người độc thân không được công nhận về mặt pháp lý. Điều này khiến họ bị hạn chế khi tham gia một số chương trình của chính phủ, giảm các quyền lợi về nhà ở hoặc khấu trừ thuế.

Một cuộc khảo sát do Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) thực hiện vào năm ngoái cho thấy 62,7% người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 70 đồng ý rằng định nghĩa pháp lý về hôn nhân nên được mở rộng khi quan điểm về cuộc sống độc thân, sống thử hoặc gia đình đơn thân ngày càng tích cực.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình thực hiện vào tháng 9/2021 với 3.007 người đã sống thử, lý do phổ biến của xu hướng này là "không muốn kết hôn sớm", "không có nhà", "giảm chi phí hẹn hò, sinh hoạt".

Vào tháng 4 năm ngoái, cơ quan này cũng đã giới thiệu kế hoạch cơ bản về chính sách gia đình khỏe mạnh giai đoạn 2021-2025, bao gồm các thay đổi về luật để đón nhận những người có mối quan hệ đa dạng dựa trên cơ sở đồng hành và quan tâm lẫn nhau.


Tác giả: Thảo Ngân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật