A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò châu Âu trong vòng xoáy xung đột của Israel

Xu hướng giảm ủng hộ đối với Israel đã dấy lên ở phương Tây kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự nhằm đáp trả lực lượng Hamas tại Dải Gaza.

Theo Viện Jerusalem về chiến lược và an ninh, cuộc chiến trên nhiều mặt trận của Israel với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này đang diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn giữa NATO và trục Trung Quốc-Iran-Nga. Do đó, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel là không thể thay thế, nhưng không nên bỏ qua mối quan hệ với châu Âu.

Đức, Anh và Pháp - bộ 3 quan trọng của Israel

Trong số các cường quốc châu Âu, Đức có vai trò chủ đạo nhờ quy mô nền kinh tế của nước này. Là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vào tháng 6/2023, Đức đã phê duyệt khoản trả góp trị giá 560 triệu Euro để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 của Israel do công ty Aerospace Industries (IAI) của Israel phát triển. Hệ thống này được mua không chỉ để bảo vệ bầu trời Đức mà còn phục vụ Sáng kiến “Lá chắn bầu trời châu Âu” (Sky Shield), một nhóm gồm 17 thành viên NATO. Phần Lan và Cộng hòa Séc cũng đã đặt mua các hệ thống phòng thủ tên lửa nhỏ hơn từ Israel.

Vai trò châu Âu trong vòng xoáy xung đột của Israel
Lực lượng Israel triển khai chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza. Ảnh: THX

Tháng 8/2023, Chính phủ Mỹ chấp thuận yêu cầu của Israel bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 cho Đức. Arrow-3 do Israel và Mỹ hợp tác phát triển và được IAI sản xuất. Thương vụ trị giá 3,5 tỷ Euro này là thương vụ bán vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Israel.

Hệ thống Arrow-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo bên ngoài bầu khí quyển từ khoảng cách lên tới 2.400 km. Đức đã tích cực củng cố hệ thống phòng không của NATO kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Việc mua Arrow-3 là sự bổ sung quan trọng cho sáng kiến “Lá chắn bầu trời” của Đức. Đức cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel sau Mỹ (Đức đã bán số vũ khí trị giá 326 triệu Euro cho Israel vào năm 2023).

Pháp và Anh là thành viên thường trực, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nước này đều nằm trong số những cường quốc quân sự quan trọng nhất của châu Âu và đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Các hạm đội hải quân tương ứng của họ hiện diện ở Đông Địa Trung Hải và vịnh Persia. Pháp có quân đội lớn với phạm vi hoạt động toàn cầu, cùng các căn cứ quân sự và lãnh thổ hải ngoại trải dài từ Caribe đến Thái Bình Dương. Pháp cũng đã tăng chi tiêu quốc phòng theo kế hoạch cho giai đoạn 2024-2030 hơn 30%, lên tới 413 tỷ Euro, so với giai đoạn 2019-2025.

Giá trị chiến lược của Israel đối với châu Âu

Theo các chuyên gia, Israel cần Mỹ về vũ khí và hỗ trợ ngoại giao. Nhưng Israel cũng cần sự hỗ trợ của thế giới tự do, trước hết là của châu Âu. Việc xung đột Nga-Ukraine nổ ra và hành vi gây hấn của Hamas với Israel cho thấy thế giới đang bị chia rẽ.

Hamas được cho là lực lượng ủy nhiệm của Iran. Do đó, Israel cần sự hỗ trợ ngoại giao của châu Âu để theo đuổi cuộc chiến tự vệ trước các lực lượng ủy nhiệm của Iran và châu Âu cần công nghệ quân sự của Israel để bảo vệ trước những mối đe dọa.

Giá trị chiến lược của Israel đối với châu Âu có khả năng tăng lên khi các nước châu Âu cân nhắc viễn cảnh ứng cử viên Donald Trump ở Mỹ giành được nhiệm kỳ hai. Khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ 3, Tổng thống Putin đã đặt nền kinh tế Nga vào trạng thái chiến tranh khi chi hơn 7% GDP của Nga cho quốc phòng.

Vai trò châu Âu trong vòng xoáy xung đột của Israel
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP

Nhưng ngành công nghiệp quân sự của châu Âu vẫn còn kém xa so với nhu cầu quốc phòng của lục địa này. Do đó, Đức quyết định mua hệ thống Arrow-3 của Israel để bảo vệ không phận nước này và của Đông Âu. Pháp cho rằng, cần ưu tiên cho công nghệ châu Âu, nhưng công nghệ này vẫn chưa được phát triển và do đó Đức đang ưu tiên tính sẵn sàng.

Tăng cường sự ủng hộ của châu Âu dành cho Israel là một thách thức vì có 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) với các chương trình nghị sự khác nhau và những thành viên ngoài EU với mức độ ảnh hưởng khác nhau (như Anh, Na Uy và Thụy Sĩ). Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell được cho là nên bày tỏ sự đồng thuận trong việc hỗ trợ Israel nhưng trên thực tế vẫn rất mơ hồ.

Vào tháng 4/2024, tờ Politico đưa tin, Thủ tướng Đức và Áo đã tranh luận với ông Borrell về lập trường và tuyên bố của ông liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas.

Một số nước châu Âu đã áp dụng chính sách thù địch với Israel. Vào tháng 5/2024, Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha tuyên bố công nhận nhà nước Palestine.

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024, phe cực hữu đã giành được ưu thế. Tuy nhiên, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) thuộc phe trung hữu và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả vẫn là những nhóm có số đại biểu lớn nhất tại cơ quan này.

Tại Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đứng đầu với gần 32% số phiếu bầu, cao gấp đôi số phiếu bầu mà đảng trung dung của Tổng thống Macron thu được (14%). Tại Đức, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đứng thứ hai, trước cả đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholtz.

 

Tác giả: Thanh Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan