Vì khí đốt Nga, EU đặc cách cho Đức chi hơn 4 tỉ USD
EU chấp thuận yêu cầu của Đức về việc nước này sẽ chi 4,2 tỉ USD để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Trang Maritime Executive cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) đã chấp thuận yêu cầu của chính phủ Đức về việc nước này sẽ chi 4,2 tỉ USD để trợ cấp cho 4 nhà ga nổi nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là một phần trong nỗ lực khẩn cấp của Đức để giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt qua đường ống từ Nga.
Theo quy định thông thường, các khoản trợ cấp của nhà nước bị hạn chế nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, EC nhận định rằng đề xuất của Đức là hợp lý và cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Khoản hỗ trợ này sẽ được phân bổ cho Deutsche Energy Terminals (DET), một công ty nhà nước của Đức, để quản lý bốn đơn vị lưu trữ và tái khí hóa nổi (FSRU) tại các cảng Brunsbüttel, Stade, và Wilhelmshaven, nằm dọc theo bờ biển phía bắc nước Đức.
Các nhà ga nổi này đã được Đức thuê gấp rút vào cuối năm 2022, khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng do Nga cắt giảm cung cấp khí đốt. Đức chấp nhận trả chi phí thuê cao nhằm đảm bảo có đủ LNG để duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Deutsche Energy Terminals (DET) được thành lập để tiếp thị và vận hành các FSRU, cung cấp năng lực tiếp nhận khí đốt thông qua các cuộc đấu giá ngắn hạn và trung hạn cho các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa doanh thu từ đấu giá và chi phí thuê thực tế đã khiến DET chịu lỗ. Khoản trợ cấp từ chính phủ Đức được thiết kế để bù đắp những tổn thất này.
Nếu khoản lỗ vượt qua mức dự báo, gói hỗ trợ có thể tăng lên 5,2 tỉ USD. Tuy nhiên, Đức đã cam kết ngừng hoạt động các nhà ga nổi tại Brunsbüttel và Stade sau khi hoàn thành các cơ sở cố định trên bờ, và sẽ cho thuê lại các FSRU không còn sử dụng ra thị trường quốc tế.
Khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng LNG hóa thạch đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm bảo vệ môi trường. Họ cho rằng điều này có thể khiến Đức tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên trong nhiều thập kỷ tới, đi ngược lại mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), xu hướng nhập khẩu LNG vào EU đã chững lại. “Đợt xây dựng nhà ga LNG của châu Âu có thể sắp kết thúc. Một số quốc gia đã hoãn hoặc hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng LNG mới, bao gồm Albania, Cyprus, Ireland, Latvia, Lithuania và Ba Lan. Không rõ liệu ba dự án ở Hy Lạp có được triển khai hay không” - bà Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích năng lượng của IEEFA, nhận định.