A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Chạy đua” chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 theo chương trình mới

Là lứa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình mới năm học 2025 - 2026, thời điểm này, học sinh, giáo viên Hà Nội đang nỗ lực chạy đua với thời gian để kịp trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất…

Những điểm mới cần lưu ý

Cuối tháng 8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cho kỳ thi này. Cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ quan trọng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Thi vào lớp 10 THPT công lập không chỉ là cuộc đua giữa học sinh với nhau mà còn là cuộc đua của chính bản thân các em với ước mơ của mình

Thi vào lớp 10 THPT công lập không chỉ là cuộc đua giữa học sinh với nhau mà còn là cuộc đua của chính bản thân các em với ước mơ của mình

Tại Hà Nội, nhiều năm trước, kỳ thi được thực hiện theo phương thức kết hợp xét tuyển (học bạ cấp trung học cơ sở) với thi tuyển (hai môn Toán, Ngữ văn). Từ năm 2019, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh lớp 10, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư (công bố vào tháng 3 hằng năm). Tuy nhiên, phương thức thi tuyển 4 môn chỉ duy trì trong hai năm 2019 và 2020. Từ năm 2020 đến nay, nhằm giảm áp lực cho học sinh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hà Nội giữ ổn định phương thức thi tuyển với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Năm học 2025-2026 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thời điểm này, số lượng môn thi của kỳ thi chưa được công bố. Tuy nhiên, nhằm giúp các nhà trường, học sinh chủ động chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của 7 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân.

Trong số 7 môn này, có 2 môn thi theo hình thức tự luận là Toán và Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút/môn; 5 môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/môn.

Điểm mới đáng lưu ý là ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án, chọn 1 phương án đúng - dạng thức đã quen thuộc với học sinh), các môn thi trắc nghiệm ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới như trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh chọn đúng hoặc sai ở từng ý); dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn (học sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).

Nội dung đề thi cũng có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.

Ngoài ra, trong đề thi còn có sự xuất hiện của 2 môn học tích hợp mới là: Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006), Lịch sử và Địa lí.

Thay vì đứng đơn lẻ thì ở chương trình Giáo dục phổ thông 2018, 5 môn học này được tích hợp thành 2 bộ môn, do đó đề thi cũng sẽ được thiết kế tích hợp.

Ở đề thi Khoa học Tự nhiên, kiến thức sẽ dàn trải ở cả 3 môn học với 40 câu hỏi. Môn Lịch sử và Địa lí cũng có 40 câu hỏi. Cấp độ tư duy của các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Với những điểm mới này, theo đánh giá của nhiều thầy cô đề thi sẽ đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo chuẩn “đầu ra”.

Các đề tự luận phù hợp với thời lượng 120 phút/môn, trắc nghiệm phù hợp với thời lượng 60 phút/môn. Nội dung các đề trải nhiều mạch nội dung và đơn vị kiến thức của từng môn, tăng cường tính mở và vận dụng những đơn vị kiến thức từ thực tiễn.

Chủ động kế hoạch ôn luyện, đồng hành cùng học sinh

Đồng hành với học sinh lớp 9, giúp các em tự tin, sẵn sàng tâm thế, kỹ năng và kiến thức đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ trọng tâm đang được các đơn vị, nhà trường trên địa bàn Thủ đô nỗ lực triển khai.

Việc học trực tuyến khiến nhiều thí sinh lo lắng trước kỳ thi vào lớp 10 THPT

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Dương Thị Thanh Tú cho rằng, trước một kỳ thi có nhiều điểm mới, việc sớm nắm bắt cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 giúp giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh lớp 9 trên địa bàn phần nào yên tâm hơn.

Tại hội nghị giáo vụ đầu năm học của huyện diễn ra ngày 26/9, các chuyên viên phụ trách môn học của phòng đã triển khai đủ và kỹ nội dung này. 100% giáo viên dạy lớp 9 của 20 trường trung học cơ sở thuộc huyện cũng đã được tập huấn để đồng hành, hỗ trợ học sinh đáp ứng tốt nhất với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới theo định hướng của chương trình mới.

Giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý trường THCS Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Đào Thị Hoa chia sẻ, nhà trường hiện có khoảng 580 học sinh, trong đó có gần 140 học sinh lớp 9. Căn cứ đề thi minh họa lớp 10 năm học 2025-2026 do Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành, nhà trường đã triển khai đến các tổ chuyên môn và giáo viên, trong đó nhấn mạnh về những điều chỉnh, bổ sung các dạng thức trắc nghiệm.

“Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo định hướng của chương trình mới, sau đó sẽ dần cho học sinh làm quen, tập dượt thường xuyên ngay từ học kỳ 1", giáo viên Đào Thị Hoa cho biết.

Theo cô Hoa, trường THCS Khánh Thượng cũng tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Song song với đó là việc xây dựng thư viện số về đề kiểm tra, khảo sát chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, học tập, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, khảo sát.

Em Nguyễn Minh Khang, học sinh một trường THCS ở quận Hà Đông chia sẻ: “Em mong được thầy, cô giáo các bộ môn tổ chức thực hành với các đề kiểm tra ở theo phạm vi lớp, trường và cả ở toàn quận để nắm biết mình đáp ứng được ở mức độ nào, từ đó kịp thời điều chỉnh cách thức học tập”.

Chia sẻ về những điểm mới của định dạng đề thi vào lớp 10 năm nay, cô Vũ Thị Chung - giáo viên Toán, trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm cho biết: “So với chương trình giáo dục phổ thông 2006, Giáo dục phổ thông 2018 đưa đến một số vấn đề mới về thống kê và xác suất. Như đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội thì phần xác suất đang chiếm 1,5 điểm. Chúng tôi đang có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và ôn để bổ sung kiến thức cho học sinh”.

Theo cô Chung, với môn Toán có thêm nhiều kiến thức mới, kiến thức giữa Hình học và Đại số chiếm 50/50. Để đáp ứng yêu cầu ôn luyện cho học sinh lớp 9 thi vào 10, ngay từ đầu năm, giáo viên nhóm Toán của trường THCS Nguyễn Du đã xây dựng phiếu và đề theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, có phiếu đề tiếp cận dần với đề minh họa mới được Sở ban hành.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật