A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Đưa lưu học sinh Lào vào ở nhà dân” thắm tình hữu nghị

Một trong những hoạt động tiêu biểu trong nhiệm kì vừa qua Chi hội Trường Hữu Nghị T78 được Trung ương Hội, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào thành phố Hà Nội đánh giá cao là chương trình “Đưa lưu học sinh Lào vào ở nhà dân”.

Tại Đại hội đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra sáng 30/8, bà Nguyễn Phong Thu, Trưởng phòng Hợp tác Đào tạo, đại diện Chi hội Trường Hữu nghị T78 tham luận với nội dung: Các hoạt động giao lưu trải nghiệm của các bạn lưu học sinh Lào tại trường Hữu nghị T78.

Là chi hội trực thuộc Hội Hữu Nghị Việt Nam - Lào thành phố Hà Nội từ năm 2008. Chi hội Trường Hữu Nghị T78 có 1300 hội viên là học sinh, sinh viên, trong đó mỗi năm có từ 200 - 250 hội viên là lưu học sinh Lào. Nhiệm kì 2017- 2022, chi hội Trường Hữu Nghị T78 luôn chủ động đẩy mạnh và làm tốt nhiều hoạt động đối ngoại Nhân dân.

Các đại biểu tham dự
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội Hữu Nghị Việt Nam - Lào thành phố Hà Nội

Chi hội đã tổ chức thành công nhiều chương trình, hoạt động giao lưu, kết nối. Nhiều hoạt động trong nội tại của chi hội được tổ chức, duy trì thường xuyên: Giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao giữa cán bộ giáo viên với học sinh, sinh viên đã và đang học tập tại trường, nhất là tổ chức tốt, hiệu quả các hoạt động kết nghĩa giữa các tập thể lớp lưu học sinh Lào với học sinh Việt Nam.

Chi hội phối hợp với Đại Sứ quán Lào, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đón tiếp chu đáo nhiều đoàn công tác của phía nước bạn đến làm việc, tham quan, học tập tại Việt Nam. Chi hội nhà trường tổ chức nhiều chuyến tham và làm việc tại Lào. Tháng 5/2019, đoàn công tác của trường tham gia Triển lãm giáo dục Đại học tại Lào với 30 thầy cô giáo đã có nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa với các cựu lưu học sinh, tạo sự gắn kết giữa nhà trường, thầy cô với các cựu lưu học sinh Lào đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Lào.

Chi hội cũng tích cực trong hỗ trợ các chi hội, đơn vị, cơ quan trên địa bàn tổ chức các hoạt động đối ngoại Nhân dân. Nhiều hoạt động đã trở thành thường niên: Đưa hội viên tham gia các hoạt động của Chi Hội Hữu Nghị Lào - Thái tại thị xã Sơn Tây; Phối hợp tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động giao lưu với Nhân dân địa phương, được chi hội quan tâm.

Các thành viên đoàn chủ tịch điều hành đại hội
Các thành viên Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội

Bà Nguyễn Phong Thu cho hay, một trong những hoạt động tiêu biểu trong nhiệm kì vừa qua Chi hội Trường Hữu Nghị T78 đã tiếp tục thực hiện thành công, được Trung ương Hội, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào thành phố Hà Nội đánh giá cao là chương trình “Đưa lưu học sinh Lào vào ở nhà dân”.

Bắt đầu từ năm 2014 đến nay, Chi hội Trường Hữu Nghị T78 đã phối hợp với chính quyền và Nhân dân địa phương xã Thọ lộc, huyện Phúc Thọ - địa bàn nơi trường đứng chân tổ chức liên tiếp nhiều đợt.

Sau 5 năm thực hiện, nhà trường đã có hơn 500 lượt lưu học sinh và gần 100 hộ dân tham gia đón nhận lưu học sinh Lào về sinh sống và học tập. Chương trình thực sự đã tạo được sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong lưu học sinh và bà con địa phương.

Tham gia chuyến đi thực tế, lưu học sinh được trải nghiệm với những tình huống giao tiếp cụ thể. Việc “3 cùng” đã giúp các bạn Lào cải thiện nhiều về các kĩ năng học tiếng Việt. Mặt khác, việc sống và học tập cùng người dân cũng giúp lưu học sinh rèn luyện khả năng tự học cho bản thân.

Bà Nguyễn Phong Thu
Bà Nguyễn Phong Thu, Chi hội Trường Hữu Nghị T78 tham luận tại đại hội

“Ở trường, hoạt động tự học của các lưu học sinh vẫn chịu sự giám sát trực tiếp của nhà trường thông qua giáo viên và nhân viên nhưng ở nhà dân, các bạn không chịu sự quản lí, kiểm tra mà thay vào đó là sự giám sát của người dân. Sự động viên, khích lệ và chia sẻ như người thân trong gia đình của hộ dân đã giúp cho khả năng tự học của lưu học sinh được phát huy và đạt được hiệu quả cao.

Đặc biệt qua thời gian đi thực tế, tình cảm giữa lưu học sinh với người dân gắn bó đặc biệt. Lưu học sinh ngoan ngoãn, yêu mến các thành viên trong gia đình. Người dân địa phương nhiệt tình, trách nhiệm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh trong sinh hoạt, học tập, coi họ như con em trong nhà, tình cảm thân thiết. Nhiều gia đình còn chủ động trong việc tổ chức các buổi liên hoan, tổ chức nấu ăn, vui văn nghệ nhằm giúp lưu học sinh được trải nghiệm, được giao lưu để rèn luyện tiếng Việt”, bà Nguyễn Phong Thu chia sẻ.

Có thể khẳng định chương trình “Đưa lưu học sinh vào ở nhà dân” của Chi hội Trường Hữu Nghị T78 trong những năm qua đã được tổ chức chặt chẽ, khoa học và mang lại hiệu quả toàn diện. Mô hình sáng tạo, thiết thực này đã và đang góp phần gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ hai nước Việt Nam – Lào ngày càng sâu sắc, bền chặt hơn.


Tác giả: Lê Dung. Ảnh: Hồng Mạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan