"Hô biến" thức ăn thừa của mâm cỗ ngày Tết thành những món ăn mới lạ
Sau những bữa ăn ngày Tết luôn có thức ăn dư thừa, nếu ăn lại sẽ rất dễ ngán, do đó chúng ta có thể biến tấu chế biến lượng thức ăn này thành nhiều món ngon.
Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, hầu hết các gia đình thường mua rất nhiều thực phẩm để dự trữ. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm này là lúc không ít gia đình phải "khổ sở" ngao ngán nhìn đống thức ăn thừa.
Thông thường, chúng ta chỉ có thể đặt chúng vào tủ lạnh bảo quản, hâm nóng lại vào bữa ăn sau. Thế nhưng như vậy sẽ rất dễ ngán, do đó bạn có thể biến tấu chế biến nhiều món mới lạ ngon miệng hơn từ thức ăn dư thừa.
Bánh chưng - bánh tét
Đây là món ăn cổ truyền ngày Tết không thể thiếu nhưng luôn là thức ăn còn thừa nhiều sau Tết. Chúng ta có thể cắt chúng thành từng khoanh và chiên giòn. Bánh chưng - bánh tét vốn đã có phần nhân thịt mỡ, nên tốt nhất dùng chảo chống dính, giảm bớt lượng dầu tối đa. Như vậy bánh vẫn sẽ giòn rụm bên ngoài, bên trong lại giữ được độ dẻo.
Sau Tết, nhiều gia đình thường hấp lại bánh cho mềm, chống nấm mốc để bảo quản thêm hoặc cắt ra chiên/rán vàng để dùng cho bữa sáng. Tuy nhiên bánh chưng rán ăn rất dễ ngấy và nhanh chán.
Do đó, sau khi cắt khoanh có thể cán mỏng bánh, đặt củ kiệu, thịt hay xúc xích… cuộn tròn như chả giò và chiên lên và ăn kèm với tương ớt.
Bánh chưng chiên ròn ăn kèm với dưa hành, củ kiệu |
Thịt gà luộc “dễ ngán” thành các món mới lạ
Các gia đình ngày Tết thường chuẩn bị gà để cúng thờ tổ tiên, ông bà. Do đó việc dư thừa lại thịt gà là không thể tránh khỏi. Thịt gà luộc rồi để tủ lạnh có luộc lại ăn cũng “ngán” nhưng chỉ với vài bước đơn giản có thể biến tấu gà thành món ăn ngon như gỏi gà hành tây hay miến gà trộn.
Nộm gà xé phay ăn chống "ngán" |
Phần thịt có thể xé phay, nấu miến, bún, nấu súp, tẩm ướp và rán… Dùng gà làm gỏi nộm (gỏi gà bắp cải rau răm, hoa chuối…) ăn nhẹ bụng, ngon miệng, vừa giúp giải quyết gà vừa giúp ăn hết rau.
Phần nội tạng của gà như lòng mề tim gan có thể xào thêm rau xanh, đậu que, hoa lơ, sả ớt thành những món ăn “chống ngán” ngày Tết.
Chế biến món ăn với giò chả
Giò chả cũng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Với mâm cơm quá nhiều chất đạm, giò chả cũng là một trong những món “dễ ngán” nên việc dư thừa cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình.
Giò chả có thể biến thành bữa sáng cho cả gia đình. Điển hình như bánh cuốn nóng hổi kẹp chả giò, thịt nguội. Nhiều gia đình cũng thích thú với món giò lụa kho mặn với thịt ba rọi,... hoặc kẹp giò chả với bánh mì nóng giòn sẽ là những món ăn rất lạ miệng dịp Tết.
Thịt bò
Thịt bò cũng là một trong những thực phẩm thừa có thể “bị dư” sau Tết. Bạn có thể kết hợp thịt bò thừa với những củ cà rốt và ít rượu vang để tạo nên món bò sốt vang lạ miệng, thơm ngon để cùng thưởng thức với mọi người trong nhà.
Ngoài ra, chúng ta có thể tận dụng bia còn thừa trong dịp Tết để chế biến các món hấp hay hầm để món ăn có vị thơm hơn, nhất là hải sản. Một số gợi ý cho bạn như món tôm hấp bia, bò hầm bia. Đây là những món có thể đổi vị cho cả nhà để những ngày sau Tết không còn cảm thấy ngán ngẩm với những món nhiều dầu mỡ.
Các loại trái cây
Trái cây mua về dùng trong dịp Tết khá nhiều. Tuy nhiên, các loại trái cây tươi không ăn nhanh thì rất dễ hỏng. Do đó, ngoài bảo quản tủ lạnh, chị em có thể tận dụng các loại trái cây có sẵn trong nhà, biến tấu thành các món thanh mát, dễ ăn.
Những ly sinh tố hoa quả thơm ngon |
Chẳng hạn, có thể cắt nhỏ các loại trái cây như: Táo, thanh long, dưa hấu, lê, chuối… và trộn với sữa chua để có món sữa chua hoa quả thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng.
Hay có thể làm thành các loại sinh tố xoài, dưa hấu… sinh tố thập cẩm. Một cách tận dụng trái cây nữa là làm thành các loại trái cây sấy, mứt, ô mai để tủ lạnh dùng dần…