A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Ký ức đô thị’’ Hà Nội xứng đáng được lưu giữ, bảo tồn

Chiều 18/11, Triển lãm “Tái thiết di sản công nghiệp”: Gợi mở hướng lưu giữ “ký ức đô thị” Hà Nội” được Viện Pháp và Viện Goethe tổ chức, nhằm mang lại cho cộng đồng những góc nhìn về cách ứng xử với di sản công nghiệp ở các quốc gia Châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan và Anh. PV Báo Tuổi Trẻ Thủ đô đã cuộc trao đổi với ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp xoay quanh vấn đề này.

Thưa ông, từ đâu Viện Pháp lại có ý tưởng tổ chức chuỗi hội thảo và triển lãm về tái thiết di sản công nghiệp tại Hà Nội. Ông có cho rằng, Hà Nội nhiều tiềm năng về di sản công nghiệp nhưng chưa khai thác hết giá trị của loại hình này?

Trước hết, tôi muốn giải thích vì sao lại các bạn nên quan tâm đến di sản công nghiệp. Vì hiện tại, các công trình di sản công nghiệp ở Việt Nam thường không được công chúng biết đến. Người ta chỉ quan tâm đến các công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các biệt thự cổ, tháp… mà quên rằng, đằng sau các nhà máy cũ đó là những vẻ đẹp của kiến trúc và có tính lịch sử trong đó, gồm cả những câu chuyện, những con người từng làm việc ở đó. Vô hình chung, có một ký ức tập thể tại những nơi này.

Tại Hà Nội, năm 2020 có khoảng gần 200 cơ sở công nghiệp ở các quận trung tâm thành phố. Chính quyền Hà Nội đã thông qua luật di dời các cơ sở công nghiệp ra ngoại ô, đây là quyết định giống nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ở đây chưa có khái niệm bảo tồn di sản công nghiệp. Thường là các cơ sở công nghiệp biến mất và thay vào đó là các căn hộ, trung tâm do các công ty bất động sản phát triển. Hiện nay còn 9 cơ sở là chưa di dời và tương lai của các cơ sở này chưa được quyết định.

“Ký ức đô thị’’ Hà Nội xứng đáng được lưu giữ, bảo tồn
Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội

Khi trao đổi với nhiều nhà quản lý văn hóa, kiến trúc sư Việt Nam và quốc tế, mọi người đều có nhận định là, thật đáng tiếc khi những cơ sở có kiến trúc rất đẹp này bị mất vĩnh viễn, bị xóa đi trên bản đồ và xây một công trình mới. Vì vậy, chúng tôi muốn giới thiệu một trong những cách thức ứng xử với công trình di sản công nghiệp ở Châu Âu vì chúng tôi là các cơ quan văn hóa ở Châu Âu tại Việt Nam.

Chúng tôi muốn chỉ ra cho các bạn thấy còn những giải pháp thay thế, đó là chuyển đổi công năng của các cơ sở này thành không gian văn hóa nơi làm việc, văn phòng, bảo tàng, hay công viên.

Có nhiều cách để bảo tồn các cơ sở này và giữ lại một phần ký ức và truyền lại cho con cháu sau này. Hãy tưởng tượng 10 năm nữa, không còn một nhà máy cũ nào tại Hà Nội thì thế hệ trẻ sau này họ sẽ nghĩ gì? Chúng sẽ bảo ở Hà Nội đã không có nhà máy nào? Không có công nhân làm việc? Ồ, trong khi ở những nơi này đã từng có những hoạt động sản xuất công nghiệp. Tôi nghĩ rằng, ký ức đô thị Hà Nội xứng đáng được bảo tồn và chuyển đổi.

“Ký ức đô thị’’ Hà Nội xứng đáng được lưu giữ, bảo tồn
Khách tham quan Triển lãm “Tái thiết di sản công nghiệp”: Gợi mở hướng lưu giữ “ký ức đô thị” Hà Nội” vào chiều 18/11

Hà Nội có nhiều tiềm năng về di sản công nghiệp, nhưng Hà Nội cũng là “tấc đất tấc vàng”, giá đất rất đắt đỏ nên việc xây dựng các công trình mới sẽ mang nhiều lợi nhuận về tiền bạc hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

Đây là câu hỏi hay nhưng câu trả lời lại phức tạp. Bạn thử tưởng tượng xem tại một thành phố, ta có thể sống mà không có công viên, không có công viên xanh? Giá đất của những nhà máy này cũng ngang với giá trị của công viên. Vậy tại sao ta không chuyển đổi những nhà máy cũ này thành những nơi phục vụ cộng đồng và quên nghĩ đến giá đất, đến xây mới các tòa nhà cao tầng, trung tâm hiện nay mọc lên rất nhiều rồi. Tôi nghĩ, cần có sự cân bằng.

Hà Nội có gần 200 cơ sở công nghiệp nay còn có 9 cơ sở. Vậy tại sao không giữ lại một vài cái? Tuy nhiên, không phải tôi là người quyết định mà là nhân dân Việt Nam mới là người quyết định làm gì cho thành phố của mình. Họ mới là người quyết định lựa chọn biến thành phố này trở niên hiện đại với những tòa nhà cao tầng hay là một thành phố đa dạng với nhiều phố phường có những cơ sở văn hóa, không gian sáng tạo, thể thao….

Tôi xin lấy ví dụ của Pháp - The Halle Freyssinet được biến đổi thành Station F. Hiện nay, Khu phức hợp này có hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ sáng tạo khởi nghiệp, từ nhỏ đến lớn, trong đó có cả Facebook. Từ một nhà máy công nghiệp, nơi đây giờ trở thành khu phức hợp công nghệ cao và đem lại lợi nhuận kinh tế lớn. Ví dụ thứ 2 là Bảo tàng Orsay, trước đây là nhà ga, chỉ có đường ray và tàu, hiện đã trở thành một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới. Trước đó, khi nhà ga cũ kỹ và xuống cấp, đã có dự án phá bỏ để xây dựng khu dân cư nhưng nhờ tổng thống Pháp thời đó đã quyết định chuyển đổi nhà ga thành bảo tàng. Và ngày nay, ta thấy đây là thành công lớn, tạo ra tầm ảnh hưởng cho thành phố và mang lại lợi ích và thu hút công chúng.

Vì vậy, không nên chỉ nhìn lợi ích trước mắt khi so sánh giá đất mà cần tính đến tầm ảnh hưởng, giá trị du lịch lâu dài, bền vững sẽ mang lại cho nền kinh tế cũng như người dân.

“Ký ức đô thị’’ Hà Nội xứng đáng được lưu giữ, bảo tồn
Một tấm pano về mô hình chuyển đổi thành công nhà máy cũ thành khu phức hợp đa chức năng tại Đức

Thưa ông, triển lãm lần này đã trưng bày một số mô hình chuyển đổi công năng, bảo tồn di sản công nghiệp thành công trên thế giới như Đức, Pháp...Vậy cụ thể, ông đánh giá mô hình nào có thể áp dụng được cho các di sản công nghiệp của Việt Nam?

Thực ra, tôi không có vai trò đưa ra những đề xuất áp dụng mô hình nào cho tình hình ở Việt Nam. Về câu hỏi ý tưởng cho các di sản công nghiệp ở Việt Nam thì tôi thấy có nhiều kiến trúc sư của Việt Nam, các hiệp hội văn hóa, đã nghiên cứu rất nhiều và có những ý tưởng sẵn sàng đề xuất rất thú vị.

Tôi nghĩ, cần nghiên cứu tìm ra những cơ sở, nhà máy nào có thể chuyển đổi thành nơi sáng tạo, nơi có thể bảo tồn phát triển bền vững, có ích cho cộng đồng xung quanh chứ không chỉ có lợi cho nhà quản lý cơ sở đó. Cụ thể là, công trình đó nên được nhà đầu tư và chính quyền địa phương cùng thực hiện để phục vụ lợi ích cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Trong kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội, 100% các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn. Trong vòng 5 năm tới, 9 cơ sở phải di dời theo quy hoạch như: Công ty In báo Nhân Dân, công ty TNHH một thành viên In báo Hà Nội mới, nhà máy Bia Hà Nội, công ty TNHH một thành viên thuốc lá Thăng Long, nhà máy xe lửa Gia Lâm, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam… Trong số đó, nhiều công trình đã tồn tại qua nhiều thập kỷ và gắn bó với người dân Thủ đô, như nhà máy Bia Hà Nội được xây dựng từ năm 1890, đến nay đã có lịch sử 132 năm. Hay như nhà máy Xe lửa Gia Lâm lại được nhớ đến như những công trình tiêu biểu của thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Việc di dời các cơ sở nhằm sắp xếp lại theo quy hoạch, góp phần sử dụng hiệu quả. Đồng thời, tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, bảo đảm hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.

Trong khoảng gần 50 năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã lựa chọn phương án tái thiết một phần hoặc toàn bộ di sản công nghiệp thành không gian mới với nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo, thu hút khách du lịch hay chỉ đơn giản để tôn vinh những công trình kiến trúc độc nhất vô nhị này. Thậm chí tại châu Âu, di sản công nghiệp được coi là yếu tố then chốt của sự phát triển bền vững về lãnh thổ, kinh tế, xã hội và đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng của các quốc gia này.

Tại Việt Nam, Complex 01 và 282 Workshop là 2 mô hình chuyển đổi công năng thành công, từ các nhà máy cũ thành các không gian văn hóa sáng tạo, thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ Thủ đô.

“Ký ức đô thị’’ Hà Nội xứng đáng được lưu giữ, bảo tồn
282 Workshop (Long Biên - Hà Nội) từ một nhà máy dầu cũ, nay trở thành không gian sáng tạo thu hút giới trẻ

Tác giả: Thái Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan