A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Loa phường' ở Hà Nội: Sắp xếp cho hợp lý hơn

Nhiều ý kiến được đưa ra trước thông tin Hà Nội nâng cấp loa phườngloa phường. Có ý kiến cho rằng, kế hoạch phủ sóng loa phường đến tận thôn, khu phố của Hà Nội cần phải được nghiên cứu kỹ để tránh lãng phí.

Theo Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, loa phường là một kênh không thể thay thế. Ảnh: PV

Trước đó, dù được kỳ vọng sẽ thay thế hệ thống loa phường đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử" nhưng sau thời gian thí điểm, "loa phường thông minh" ở Hà Nội đã phải dừng triển khai.

Kinh phí "nâng cấp" loa phường

Loa phường là kênh thông tin sát dân nhất, đặc biệt khi cần tuyên truyền về thiên tai dịch bệnh và cơ chế, chính sách địa phương. Loa phường hiện đã được cải tiến theo hướng thân thiện với nhân dân, chỉ cung cấp những thông tin thiết yếu, có tác động trực tiếp đến nhân dân. Chính quyền địa phương căn cứ nhu cầu, chủ động bố trí số lượng, vị trí lắp đặt. Thời lượng phát sóng cũng thay đổi, các quận chỉ 15 phút/buổi và một ngày tối đa không quá 2 lần, trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến dịch bệnh hay tuyên truyền ngày lễ, ngày Tết... phải có chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương nêu rõ trong cuộc họp ngày 27/7 về "Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của Hà Nội". Cuộc họp được tổ chức ngay sau khi có "ồn ào" về loa phường tại Hà Nội.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, hiện nay nhiều phường có từ 20 - 30 tổ dân phố, ngõ ngách nhiều vô kể. Do vậy, nếu để người dân nắm bắt được chủ trương của địa phương cũng như "việc nội bộ" ở địa bàn thì cần hệ thống loa xuống từng địa bàn dân cư, tổ dân phố.

"Thử tưởng tượng kinh phí tổ chức, sắp xếp lại hệ thống loa; tiền mua loa mới, thay thế những loa bị hư hỏng, hệ thống dây điện là cực kỳ lớn. Cần phải làm rõ, công khai nguồn kinh phí để thực hiện "nâng cấp" loa phường từ xã hội hóa hay ngân sách nhà nước. Trong đó công ty, cơ quan nào sẽ đứng ra bao thầu tất cả. Việc này sẽ làm lợi cho người dân hay cho ai?" - ông Vĩ nêu ý kiến.

Trên thực tế, thời gian qua, hệ thống loa phường đã không còn hoạt động như trước kia. Một số địa phương đã chỉ đạo thời gian phát ít hơn, thời điểm hợp lý hơn, nội dung cũng đã chọn lọc kỹ càng hơn.

Ông Vĩ nêu rõ, việc tổ chức lại loa phường phải thay đổi nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với thực tế hiện nay. 

Phải có cơ chế sử dụng cho phù hợp

Bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng, trong các thời điểm cần thiết như đại dịch COVID-19 vừa qua hay trường hợp khẩn thì loa phát thanh đã phát huy được hiệu quả tốt trong tuyên truyền, thông tin đến người dân.

Tuy nhiên với Hà Nội, nhiều người dân ở khu vực đô thị đều không thích sự tồn tại loa phường. Bởi ban ngày mọi người đi làm nên hầu hết loa chỉ phát buổi sáng và buổi tối. Song mật độ dân cư cao, nhà cửa san sát, loa lắp ngay trước cửa nhà dân nên họ cảm thấy rất khó chịu.

Đặc biệt các gia đình có người cao tuổi, sức khỏe yếu hay có trẻ nhỏ mà cứ 5h sáng hay 21- 22h đêm loa phát, "nói quá nhiều" là không phù hợp, làm phiền đến cuộc sống người dân.

Bà Lan cho rằng, việc thay đổi hình thức hoạt động của loa phường phải thấy các thách thức của hình thức thông tin này ở cơ sở. Đồng thời xem xét loa phường phục vụ ai, mục đích là gì. "Hà Nội cần xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng loa truyền thanh làm gì và phải có cơ chế để sử dụng cho phù hợp. Chính vì vậy, cần phải hỏi, lấy ý kiến người dân ở các khu dân cư, tổ dân phố trước khi thực hiện" - bà Lan nói.

Phó Giám đốc Sở TTTT Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, đối với những thông tin bắt buộc người dân phải nắm thì chỉ có loa phường mới truyền tải được. Loa phường đóng vai trò then chốt với thông tin cơ sở. Còn việc các doanh nghiệp nào đang triển khai, nội dung này toàn bộ đã có quy định rõ ràng, tất cả qua đấu thầu, các quận, huyện sẽ chủ động căn cứ vào tình hình, nhu cầu thực tế, khảo sát, tiến tới lắp đặt sao cho phù hợp.

Loa phường thông minh từng được thí điểm ở Hà Nội cũng "tắt lịm"

Cuối năm 2017, hai đơn vị Viettel và Mobifone được thí điểm lắp đặt thiết bị mới có tên M-GATEWAY (tương tự modem wifi) trong từng hộ dân, nhằm thay thế dần hệ thống loa phường. Khi đó, có 200 thiết bị được thí điểm lắp đặt ở 4 phường trên địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội), trong đó quận Hoàn Kiếm được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội bố trí 50 thiết bị, lắp đặt cho các hộ dân trên địa bàn phường Tràng Tiền; Viettel là đơn vị cung cấp thiết bị.

Tuy nhiên, đến năm 2019, dự án thí điểm nêu trên tại quận Hoàn Kiếm kết thúc; thiết bị "loa phường thông minh" cũng được thu hồi. Kể từ năm 2019 cho đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không thí điểm dự án tương tự nào liên quan đến "loa phường thông minh" nữa.

Còn UBND quận Cầu Giấy cho biết, sau một thời gian thí điểm, cơ quan này đánh giá thiết bị mới hoạt động "chưa được tốt lắm". Về nguyên nhân, do số lượng sản phẩm phân bổ cho địa phương để thử nghiệm không nhiều, không được triển khai đồng loạt. Bên cạnh đó, các ngôi nhà được lựa chọn thí điểm có sự thay đổi chủ sở hữu; thiết bị dễ sử dụng với giới trẻ nhưng với người cao tuổi thì khó khăn; cần bảo dưỡng định kỳ… Quận Cầu Giấy đã có báo cáo, đánh giá ngay sau khi kết thúc thời gian thí điểm gửi UBND TP.Hà Nội, Sở TTTT Hà Nội. Sau đó, thiết bị này không được triển khai tiếp.


Tác giả: Phạm Đông
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật