"Viết lên hy vọng" - cuốn sách hay về thầy và trò
Trong tháng 11, tháng tôn vinh các nhà giáo, cuốn sách mang tên “Viết lên hy vọng” được Erin Gruwell và những nhà văn tự do sáng tác. Cuốn sách là những chương nhật kí giàu tính tự sự thể hiện tình cảm, suy nghĩ của các bạn học sinh...
Như câu nói của Rene Descartes: “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua". Chính điều đó khiến mỗi chúng ta có cảm hứng để đọc những trang sách giá trị.
Trong tháng 11, tháng tôn vinh các nhà giáo, chúng tôi xin giới thiệu về cuốn sách mang tên “Viết lên hy vọng” được Erin Gruwell và những nhà văn tự do sáng tác. Cuốn sách là những chương nhật kí giàu tính tự sự thể hiện tình cảm, suy nghĩ của các bạn học sinh. Cuốn sách tập hợp 150 câu chuyện do chính các em viết hay những nhà văn tự do đã được đề cập.
Bìa sách "Viết lên hy vọng" |
Erin Gruwell sinh ngày 15 tháng 8 năm 1969 tại Glendora, California, Mỹ. Gruwell tốt nghiệp trường Trung học Bonita ở La Verne (Calif.) và Đại học California, Irvine, nơi cô nhận được Giải thưởng Cựu sinh viên danh dự và Cựu sinh viên xuất sắc. Gruwell có bằng thạc sĩ và chứng chỉ giảng dạy tại Đại học Bang California, Long Beach, đồng thời được trường Cao đẳng Giáo dục vinh danh là cựu sinh viên xuất sắc.
Ban đầu Erin dự định theo học trường luật và trở thành luật sư. Sau khi xem tin tức về cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992, cô quyết định trở thành giáo viên. Không chỉ giảng dạy, Erin Gruwell còn sáng tác cuốn sách “Người gieo hy vọng” và “Viết lên hy vọng”.
Erin Gruwell đã viết: “Tôi rất hi vọng cuốn sách này sẽ đến được với người giáo viên mà bạn yêu quý nhất, rằng mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một phần cuộc đời mình qua những trang sách này. Tôi hi vọng bạn sẽ cảm thấy cảm thông và yêu kính các nhà giáo dục. Tôi cũng hi vọng những người đang làm thầy sẽ nhìn thấy mình trên gương mặt những đồng nghiệp dũng cảm đã chia sẻ những điều không yên ổn trong lớp học và những chiến thắng nhỏ nhoi họ dành được".
Nội dung chính của cuốn sách kể về cuộc hành trình của cô giáo người Mỹ Erin Gruwell kiên trì thay đổi con người của các em học sinh ở phòng học 203. Cô đã cùng các học sinh viết lên cuốn nhật kí làm thay đổi cả nền giáo dục Mỹ lúc đó.
Năm 1994, Erin Gruwell - một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng - về dạy tại trường Trung học Wilson, Long Beach, California. Cô phải đương đầu với một lớp học toàn những học sinh cá biệt. Tuy cả lớp đều tỏ thái độ chống đối cô nhưng cô vẫn không đầu hàng, cô có niềm tin mãnh liệt rằng: Giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất.
Rồi một ngày, từ một sự cố trong lớp học, cô vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra các học sinh trong lớp sống trong khu ổ chuột đầy phức tạp và bạo lực ở Long Beach – Mỹ: Nhà tù, súng đạn, bắn giết, bạo hành, băng đảng, ma túy… là những gì các em phải chứng kiến, đụng chạm hằng ngày.
Chính vì vậy, cô đã giới thiệu cho các học sinh hai cuốn sách có nét tương đồng với hoàn cảnh các em, rồi cùng các em viết nên cuốn nhật kí tổng hợp đầy những câu chuyện về cuộc đời các học sinh. Từng trang nhật kí đều là những dòng tâm sự, những lời hỏi thăm, những lời động viên tới các bạn học sinh trong lớp với nhau. Để rồi những dòng tâm sự đó đã làm rung chuyển cả nền giáo dục Mỹ lúc bấy giờ.
Mở đầu từ cuốn nhật kí truyền tay, các bạn học sinh dần mở lòng với những câu chuyện riêng của mỗi cá nhân được thể hiện trên từng trang giấy trắng, mỗi một tác giả lại là nhân vật chính trong cuộc đời của họ vì thế mỗi trải nghiệm riêng của mỗi người là khác nhau nhưng đều có một điểm chung rằng họ sẵn sàng vượt qua và đối mặt với những thử thách khó khăn.
Từ những màn đêm đen kịt, từng câu chữ dần dần trở nên xán lạn cũng giống như những mảnh đời trong cuốn nhật kí vậy, cứ ngỡ là phải sống mãi trong sự dày vò nhưng rồi các bạn học sinh đã cùng nhau thoát ra khỏi một tương lai đen tối để bước về phía trước.
Thành công của Erin Gruwell là một minh chứng vô cùng rõ ràng cho chân lý trong câu nói của Sukhomlinskij: "Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh, có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người”.
Cuốn sách đã cho chúng ta thấy, giáo dục không chỉ là việc trao dồi kiến thức mà còn là trao dồi về mặt tình cảm, suy nghĩ và lối sống tốt đẹp cho học sinh. Những dòng nhật ký là những ngày thay đổi tích cực của các học sinh ở phòng 203 - điều mà không một ai có thể ngờ tới.
Điều đó cũng cho ta thấy một triết lý cao đẹp: Dù vỏ có khác nhau thì hạt đậu vẫn chỉ là hạt đậu. Có loại ngon hơn, có loại tươi hơn, nhưng suy cho cùng, chúng đều là hạt đậu. Như cô Erin đã nói: “ Đừng đánh giá hạt đậu qua vỏ ngoài của nó, hãy đánh giá bằng lớp bên trong nó. Chỉ cần vẫn còn là con người, vì suy cho cùng, tất cả mọi người đều như nhau".
Đồng thời cuốn sách cũng lên án tác hại khôn lường của chiến tranh, biến những đứa trẻ vốn sẽ có một tương lai rộng mở trở thành những học sinh bạo lực, mất niềm tin, hi vọng vào cuộc sống để rồi bị người đời kì thị, dèm pha.
“Viết lên hi vọng” làm người đọc rưng rưng và hồi hộp vì được chứng kiến qua từng trang sách những thay đổi theo hướng tốt đẹp của những đứa trẻ thuộc tầng lớp đáy của một hoàn cảnh sống hỗn loạn và bạo lực, đã mong muốn được trở thành những ngọn lửa, những tia chớp và tiếng sấm, có thể thay đổi được thế giới.
Đến nay, những dòng viết hy vọng đó đã và đang trở thành những món quà quý báu cho những ai đang rơi vào tuyệt vọng, những ai tưởng chừng là “đồ bỏ đi”. Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến được tới trái tim, cuốn sách này đã trở thành động lực, trở thành ngọn đuốc soi đường giúp sợi dây liên kết ngày càng bền chặt, thấu hiểu hơn giữa người và người với nhau.