A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấm áp, xúc động lễ kỷ niệm "Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận"

Sáng 6/9, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra chương trình "Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận". Đây là cuộc hội ngộ của những cựu sinh viên cách đây 51 năm đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, sẵn sàng tòng quân vào các chiến trường; Nay họ là các cựu chiến binh, cùng gặp lại nhau để tri ân đồng đội, ôn lại những kỉ niệm xưa.

Đến dự chương trình có các đại biểu: Trung tướng Vũ Văn Kiểu - Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng; PGS. TS Lại Quốc Khánh - Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Đặng Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20... cùng đông đảo các đại biểu đại diện cho các trường Đại học, các cựu sinh viên, cựu chiến binh cùng các em sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Đông đảo đại biểu, các cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ đến dự chương trình
Đông đảo đại biểu, các cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ đến dự chương trình

Theo PGS. TS Phạm Thành Hưng, sáng 6/9/1971, từ 14 trường Đại học trên miền bắc đồng loạt vang lên tiếng trống trường. Khác với mùa thu các năm trước, tiếng trống năm 1971 không phải trống khai trường mở đầu năm học mới, mà là tiếng trống trận, trống lệnh ra quân cho 4.000 cán bộ giảng dạy và sinh viên trẻ gác bút nghiên, nhập ngũ, lên đường ra trận trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.

PGS, TS Phạm Thành Hưng phát biểu tại chương trình
PGS. TS Phạm Thành Hưng phát biểu tại chương trình

Mùa thu năm 1971 là khoảng thời gian chiến dịch mùa xuân Đường 9 - Nam Lào kết thúc với những chiến công giòn giã. Mặt trận phía Nam năm ấy gần như nhỏ dần tiếng súng, đất nước như được nghỉ ngơi, hồi sức, nhưng thật ra là đang lặng lẽ chuẩn bị cho những trận đánh quyết định sắp tới. Sau lệnh động viên tuyển quân tại các trường đại học, sinh viên hối hả kết thúc kỳ nghỉ hè, lên tàu từ biệt quê hương.

Các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ và cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ thể hiện
Các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ và cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ thể hiện

Có những sinh viên từ Quảng Bình trên đường ra Hà Nội bị lỡ tàu, đã đi bộ hàng trăm cây số, phồng rộp da chân, đến trường cho kịp giờ nhập ngũ. Có thầy giáo không trả bài, không lộ điểm cho sinh viên nhập ngũ, động viên học trò của mình rất cảm động: “Thầy sẽ giữ bài các em, chờ các em sống và chiến thắng trở về rồi nhận bải. Hãy yên tâm, tất cả đều xứng đáng nhận điểm 10. Vì chẳng có giáo trình nào, môn học nào cao bằng giáo trình tình yêu đất nước. Tình nguyện lên đường là các em đã đặt điểm cao nhất ở tất cả các giáo trình rồi”.

Ấm áp, xúc động lễ kỷ niệm
Ấm áp, xúc động lễ kỷ niệm

Lứa sinh viên ngày ấy ra đi, nhiều người trở về học tập tiếp dưới mái trường, nhiều người ở lại quân ngũ, nhiều người đã anh dũng hy sinh nhưng cho đến nay không thể nắm rõ được con số các liệt sĩ bởi Giấy báo tử đều gửi về quê hương chứ không gửi về trường. Các đại biểu đến đây dự chương trình, tay bắt mặt mừng, trao đổi, chuyện trò, hàn huyên với nhau, ôn lại bao kỉ niệm đã qua.

Các sinh viên chiến sĩ dâng hương hoa và chụp ảnh tại Đài kỷ niệm
Các sinh viên chiến sĩ dâng hương hoa và chụp ảnh tại đài kỷ niệm

Họ cũng cùng nhau dâng hương, chụp ảnh kỉ niệm tại Đài tưởng niệm tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trước 104 liệt sĩ nhưng chắc chắn đây là số liệu chưa đầy đủ. Chính vì thế, Ban liên lạc hi vọng sẽ cập nhật được nhiều hơn nữa số những liệt sĩ sinh viên từ mái trường này để những cuộc tri ân, những cuộc viếng thăm đồng đội tại các nghĩa trang trên cả nước sẽ được trọn vẹn hơn.

Ấm áp, xúc động lễ kỷ niệm

Nhà báo Phùng Huy Thịnh - Chủ tịch Hội sinh viên chiến sĩ 6971 bày tỏ: "Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ấy, ngày 6/9/1971, ngày mà gần 4.000 sinh viên và cán bộ giảng dạy của 33 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp toàn miền Bắc “xếp bút nghiên lên đường ra trận” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày mà trái tim họ thì bồi hồi chia tay thày bạn nhưng bước chân thì “giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi” với tâm niệm “ai cũng nghĩ đến mình thì còn đâu Tổ quốc / chúng tôi ra đi không tiếc đời mình...” xen chút lãng mạn học trò “những chàng trai chữa trắng nợ anh hùng”... nhuốm màu tiểu tư sản trí thức bên cây đàn vang những lời ca lãng mạn cách mạng: “Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên / Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn!”

Nhà báo Phùng Huy Thịnh - Chủ tịch Hội sinh viên chiến sĩ phát biểu tại chương trình
Nhà báo Phùng Huy Thịnh, Chủ tịch Hội Sinh viên chiến sĩ 6971 phát biểu tại chương trình

Có thể nói, với lòng tự trọng sâu sắc, tinh thần “mình vì mọi người” được thấm nhuần từ nhỏ và với tri thức khoa học đang có từ trường đại học, những người lính sinh viên quả cảm ấy sau ít tháng huấn luyện tốc đã được về các quân binh chủng hiện đại, đặc biệt là về Sư đoàn bộ binh 325 giữ đất giữ Thành cổ Quảng Trị khốc liệt 1972. Họ với lòng tự trọng sâu sắc, tinh thần chiến đấu can trường, đã trải qua những ngày tháng chiến đấu gian lao trên nhiều chiến trường, không ít người trong số họ cùng đồng đội nhiều đơn vị đã hiến dâng tuổi hai mươi của mình cho đất nước “những lá xanh vĩnh viễn trút cho đời”...

Cùng với ngày chiến thắng 30/4/1975, những người lính sinh viên năm nào đã trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ, hầu hết được về trường học lại, một số về các trường sỹ quan tiếp tục học tập, công tác.

Ấm áp, xúc động lễ kỷ niệm

Có thể khẳng định một cách tự hào rằng những người lính sinh viên những năm 70 - 71 - 72 ấy đã góp phần nâng chất lượng bộ đội cụ Hồ giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng lên tầm cao mới, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của quân dân ta giai đoạn quyết định của chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Họ, những người lính sinh viên đã “xếp bút nghiên ra trận với lòng tự trọng, chiến đấu tài trí, học tập và công tác tận tụy, tóm lại là những người trung thực. Vì vậy nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành, lãnh đạo nhiều tỉnh thành, các tướng lĩnh quân đội, Công an, các GS, TS, các nhà giáo nhà nghiên cứu có tên tuổi, các nhà văn, nhà báo và hoạt động xã hội nổi tiếng... được cộng đồng yêu mến, quý trọng.

Ban tổ chức trao quà tới thân nhân các liệt sỹ
Ban tổ chức trao quà tới thân nhân các liệt sỹ

Thời gian đã lùi xa, đủ để vết thương thành sẹo, liền da, nhưng những người lính trong Hội SVCS 6971 vẫn luôn nhớ về những người đồng đội đã mãi mãi tuổi 20 trên mọi chiến trường xưa cũ. Chúng ta vẫn đau đáu một nỗi niềm. Đó là, liệu liệt sĩ sinh viên nào còn chưa được quy tập, mộ còn ghi chưa biết tên, khi mà lúc lên đường, danh tính họ là ở trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp nhưng khi hy sinh thì giấy báo tử lại gửi về địa phương... Vậy liệu có trường nào còn thiếu danh tính liệt sĩ không khi mà nhiều người trong chúng ta hôm nay còn tìm mà hình như chưa đủ thông tin thống kê các liệt sĩ ...

Cho đến hôm nay, những cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ (CCB SVCS) 6971, vốn là hội tình nguyện theo sáng kiến của các CCB SVCS Thành cổ Quảng Trị, trường Đại học Bách khoa, đã duy trì các cuộc gặp kỷ niệm thường năm, cùng ban Giám hiệu 9 trường đại học dựng 9 Đài kỷ niệm SV và cán bộ giáo dục “xếp bút nghiên ra trận”.

Gần đây nhất, năm ngoái, các CCB SVCS 6971 Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ đã cùng hai trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) xây Đài Kỷ niệm bằng tiền vận động xã hội hóa.

Trước đó 20 năm, Đài chứng tích LSSV 1972 Thành cổ được Hội dựng từ 2002 nay vẫn là nơi đến tri ân mỗi dịp lễ trọng hàng năm... của nhiều cộng đồng xã hội trong đó có nhiều CCB SVCS các thời kỳ...

PGS, TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chúc mừng chương trình
PGS. TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chúc mừng chương trình

Trong tâm tưởng những người lính sinh viên, nửa thế kỷ đã qua đầy ắp những kỷ niệm sâu sắc của mỗi người, nhưng tựu chung tình đồng đội ở họ là đầy ắp mỗi khi bên nhau hội ngộ sẻ chia. Đây cũng chính là phẩm chất tình cảm nổi bật chỉ có ở những người từng chung lửa đạn, che chở cho nhau trước cái chết cận kề.

Một lần nữa tôi xin khẳng định những người lính SVCS 6971 chúng tôi đã sống, chiến đấu, học tập xứng đáng với các đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc, xứng đáng với tình đồng đội, với Nhân dân và Đất nước, đặc biệt trong những năm tháng đất nước cần đến chúng tôi - lính sinh viên 6971.

Em Lại Phương Liễu - sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bày tỏ niềm tri ân các cựu sinh viên chiến sĩ và hứa sẽ lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần lên đường vì Tổ quốc của thế hệ cha chú đi trước tới sinh viên cả nước
Em Lại Phương Liễu - sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bày tỏ niềm tri ân các cựu sinh viên chiến sĩ và hứa sẽ lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần lên đường vì Tổ quốc của thế hệ cha chú đi trước tới sinh viên cả nước

Tại chương trình, Ban tổ chức cũng tiến hành trao quà tới thân nhân các liệt sĩ - sinh viên của trường năm xưa và gặp mặt thân mật hàn huyên.


Tác giả: Hương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật