A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ẩn họa đằng sau làn sóng bùng nổ công cụ kích view, kích like

Phone Farm tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc tiếp tay cho những thông tin xấu độc trên không gian mạng, song hiện nay chưa có quy định nào về việc sử dụng mặt hàng này.

Ẩn họa đằng sau làn sóng bùng nổ công cụ kích view, kích like

Một Phone Farm gồm những chiếc điện thoại được kết nối với máy tính để điều khiển các tài khoản trong những chiếc điện thoại này. Ảnh: N.D.T

Cần quy chuẩn quản lý Phone Farm

Hiện nay, rất nhiều người sử dụng Phone Farm nhằm mục đích tăng lượt tương tác trên không gian mạng.

Phone Farm là một hệ thống bao gồm rất nhiều điện thoại/bo mạch khác nhau. Hệ thống này dùng để làm các công việc như tăng lượt thích, lượt xem, bình luận tự động… trên các mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube. Hệ thống này cũng được sử dụng để tăng lượt tải, đánh giá ứng dụng, tăng lượt truy cập website...

Trả lời câu hỏi của Lao Động về việc quản lý các Phone Farm này, ông Nguyễn Duy Khiêm - Đại diện Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, thiết bị kích view, kích like (như Phone Farm, box Phone Farm) về bản chất là hệ thống phần cứng, có thể bao gồm nhiều thiết bị điện thoại, máy tính bảng,... đơn lẻ được kết hợp với nhau dựa trên phần cứng và phần mềm điều khiển để thực hiện một số hoạt động nhất định.

Thiết bị này thường được sử dụng để giả lập các hành vi của người sử dụng, nhằm thực hiện các hành vi nhất định như tăng lượt truy cập, lượt like, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo ông Khiêm, việc ban hành các quy định liên quan cần được thực hiện một cách bài bản, từng bước, cả từ góc độ chính sách và kỹ thuật trong việc kiểm soát/cấp phép các sản phẩm, thiết bị phần cứng, phần mềm công nghệ thông tin.

Nhiều người sử dụng Phone Farm để tăng lượt tương tác trên không gian mạng. Ảnh: N.D.T

Nhiều người sử dụng Phone Farm để tăng lượt tương tác trên không gian mạng. Ảnh: N.D.T

Gây ngộ nhận về mức độ tin cậy

Trước đó, như Lao Động thông tin, 1 hộp Phone Farm thường sẽ có khoảng 20 điện thoại/bo mạch. Sau đó, Phone Farm sẽ được kết nối với máy tính để điều khiển các tài khoản trong những chiếc điện thoại này.

Với những Phone Farm sử dụng điện thoại nguyên chiếc, cần có các sợi dây cáp để kết nối từng chiếc điện thoại với HUB (dùng để kết nối các thiết bị trong cùng một mạng LAN). Sau đó, từng chiếc điện thoại sẽ được tải các ứng dụng cần tăng lượt thích, lượt xem, bình luận tự động... Còn với những Phone Farm sử dụng bo mạch, được thiết kế theo dạng module, sẽ cần 1 dây nguồn và 1 dây cắm vào máy tính thông qua cổng USB để thao tác, điều khiển trên máy tính.

Mức giá của Phone Farm dao động từ 15-30 triệu đồng (tùy vào độ mới của điện thoại/bo mạch).

“Hiểu đơn giản thì khi mua Phone Farm về, thay vì chỉ tăng được 1 lượt thích, 1 lượt xem cho những video, thì có thể tăng cùng lúc 20 lượt xem, 20 lượt thích vì mình đang sở hữu 20 cái điện thoại trong tay” - anh N.D.T, CEO một công ty cung cấp giải pháp Marketing đa kênh cho biết.

Cùng với sự ra đời của Phone Farm, dịch vụ tăng lượt xem, lượt thích bằng hệ thống này cũng ra đời. Nhiều đơn vị chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng để sắm các hộp Phone Farm nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lượt thích, lượt xem, lượt theo dõi của khách hàng.

Theo cơ chế đề xuất của các mạng xã hội, một nội dung có nhiều lượt xem, nhiều lượt tương tác thì nội dung trên nền tảng sẽ được phổ biến rộng rãi. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc các tin giả, các nội dung xấu độc, các nội dung lừa đảo dễ dàng bị lan truyền mạnh mẽ dưới sự “hỗ trợ” của Phone Farm.

Anh Trần Hữu Nhân - Kỹ sư về khoa học dữ liệu và khoa học máy tính - cho biết, Phone Farm có thể gây ra vấn đề về "sự ngộ nhận lòng tin".

“Khi người dùng vào một nhóm bán hàng trên Facebook, nếu nhóm đó có 10.000 thành viên, mỗi bài viết lại có đến 1.000 lượt thích/tương tác tích cực thì sẽ dễ gây lòng tin để mua hàng ở nhóm này. Tuy nhiên, người dùng có thể bị lừa về độ tin cậy của mặt hàng đó nếu các thành viên trong nhóm đều là ảo - đều từ Phone Farm mà ra” - anh Nhân cho biết.

Theo anh Nhân, việc sử dụng Phone Farm không mang tính lừa đảo trực tiếp, nhưng nó gây tác động gián tiếp đến sự tin cậy của người dùng, tạo hiệu ứng "số đông" áp đảo người dùng.

Phone Farm bị coi là bất hợp pháp ở một số quốc gia
Theo SCMP, Phone Farm bị coi là bất hợp pháp ở một số quốc gia và luôn có nguy cơ bị các cửa hàng ứng dụng như Apple phát hiện và chặn. Các quy định trong luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở một số nước thực chất đề cập đến hành vi đánh cắp bí mật thương mại, từ đó mở rộng phạm vi và định nghĩa về hối lộ, có thể bao gồm việc trả tiền cho bên thứ ba để mang lại cho doanh nghiệp một "lợi thế không công bằng".

Phone Farm thường được đặt tại các nước đang phát triển như: Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Ai Cập, Indonesia, Philippines, Bangladesh... Hà Liên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật