A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo nằm trong danh sách 33 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.

Di sản quan trọng

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là di sản văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Đề nghị công nhận ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ là bảo vật quốc gia
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024. Ảnh minh họa

Theo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là Ấn vàng Hoàng đế chi bảo cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có Ấn vàng Hoàng đế chi bảo, cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế.

Vào tháng 10/2022, hãng Million của Pháp tiến hành đấu giá chiếc ấn vàng triều Nguyễn vào ngày 31/10/2022 với giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng). Ngay sau đó, thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan, Việt Nam đề nghị can thiệp, ngừng việc đấu giá.

Hồi hương thành công cổ vật

Suốt thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ, ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm “hồi hương” ấn vàng về nước. Theo đó, Lễ chuyển giao ấn vàng triều Nguyễn Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam đã diễn ra ngày 16/11/2023, tại Pháp sau hơn 1 năm đàm phán, thương thảo.

Quyết tâm sưu tầm, hồi hương Ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, đưa ra nước ngoài trái phép, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc. Đồng thời, khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao lòng tự tôn dân tộc trên trường quốc tế. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Ngoài Ấn vàng Hoàng đế chỉ bảo, nằm trong danh sách 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024) còn có: Trống đồng Đông Sơn (Sưu tập Hoàng Long), niên đại: Thế kỷ III - II TCN; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Lương Hoàng Long, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; Phù điêu Shiva múa Phong Lệ, niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Đôi rồng đá thành bậc đình Trích Sài, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại đình Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Sưu tập gốm sứ cung Trường Lạc thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, thế kỷ XV - XVI, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng hiện lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, niên đại từ năm 1954 đến 1969 hiện lưu giữ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Tại Quyết định số 1712/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận ở trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
 

Tác giả: Bảo Thoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật