A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách bảo quản thức ăn trong tủ lạnh khi mất điện

Thời gian gần đây, Hà Nội liên tục mất điện tại nhiều khu vực. Khi tủ lạnh bị mất điện, nhiều người lo lắng không biết phải xử lý thế nào với những thực phẩm trong tủ lạnh.

Tủ lạnh mất điện, làm sao để thực phẩm vẫn tươi ngon?

Các gia đình thường cài đặt tủ lạnh ở một nhiệt độ nhất định nhằm giữ độ tươi ngon của thực phẩm. Sự cố mất điện trong vài phút sẽ không ảnh hưởng đến thực phẩm đang lưu trữ vì tủ lạnh có thể duy trì nhiệt độ đủ để bảo quản tốt thực thẩm trong tối đa 4 tiếng, với điều kiện không mở cửa.

Trong đó, ngăn đông có thể lưu trữ thực phẩm lâu hơn. Thực phẩm đặt càng nhiều trong ngăn đông thì khả năng giữ lại hơi lạnh càng lâu. Nếu ngăn đông chất đầy một nửa thì có thể giữ lại hơi lạnh trong 24 tiếng. Nếu ngăn đông đầy ắp thực phẩm thì có thể giữ hơi lạnh đến 48 tiếng.

Cách bảo quản thức ăn trong tủ lạnh khi mất điện

Tủ lạnh mất điện dễ khiến thực phẩm bị hỏng

Tuy nhiên nếu mất điện nhiều giờ, thậm chí vài ngày thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Tình trạng mất điện trong thời gian dài sẽ làm tủ lạnh không thể hoạt động, khiến việc bảo quản cũng gặp nhiều trở ngại hơn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi mất điện, mọi người có thể sử dụng thiết bị đo nhiệt độ trong tủ lạnh và tủ đông để giúp xác định xem thực phẩm có đảm bảo độ tươi hay không. Thông thường, nhiệt độ tủ lạnh phải từ 4 độ C trở xuống và ngăn đá phải từ âm 18 độ C trở xuống. Nếu không có nhiệt kế bên trong thiết bị để đo nhiệt độ, chúng ta có thể sử dụng nhiệt kế thực phẩm trên từng món để xác định độ an toàn.

Để những đồ ăn trong tủ đông có thể an toàn để tái đông lạnh hoặc chế biến luôn, chúng phải có nhiệt độ bên trong dưới 4 độ C. Do đó, nếu có khả năng mất điện trong thời gian dài, người dân nên mua đá khô hoặc đá khối cho vào tủ để giúp giữ đồ dễ hỏng ở nhiệt độ an toàn; Tuyệt đối không để thức ăn bên ngoài trong mùa hè vì thời tiết nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển.

Ngay khi biết thông tin mất điện, chúng ta có thể thực hiện các bước để tối đa hóa tuổi thọ thực phẩm được làm lạnh và đông lạnh như: Sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh theo nhóm; Lưu giữ các loại thịt cùng một bên của tủ đông hoặc trên khay để phòng khi chúng bị rã đông; Nước trái cây sẽ không để chung với các loại thức ăn khác...

Nguy cơ khi ăn phải thức ăn đã ôi thiu hoặc rã đông không đúng cách

Nếu thịt, trứng hoặc thức ăn thừa đã ở trên 4 độ C - 40 độ C trong hơn 2 giờ hoặc có dấu hiệu bốc mùi thì đã đến lúc mọi người nên vứt bỏ chúng; Trong trường hợp không chắc chắn về sự an toàn của thực phẩm có trong tủ lạnh hoặc tủ đông khi bị cúp điện thì không nên sử dụng.

Các loại rau củ khi hết lạnh khiến vi khuẩn phát triển nhanh chóng và nảy sinh tình trạng hư trước khi có mùi lạ. Nếu rau vẫn còn tinh thể đá bám quanh thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục tái đông nhưng chất lượng của rau sẽ bị giảm đi.

Cách bảo quản thức ăn trong tủ lạnh khi mất điện

Sắp xếp phân loại thực phẩm trong tủ lạnh

Với các loại hải sản, mọi người không nên cho vào tủ lạnh lại khi đã rã đông, trừ trường hợp hải sản vẫn còn các tinh thể đá bám quanh. Hải sản cũng rất dễ bị hư nếu không bảo quản ở nhiệt độ thích hợp và ngay cả khi hư nó cũng không có dấu hiệu mùi bất thường. Chính vì vậy, chúng ta cần kiểm tra kỹ trước khi chế biến.

Để tránh lãng phí thực phẩm, mọi người nên ăn những đồ có khả năng dễ hỏng trước, chẳng hạn như thức ăn thừa, thịt, gia cầm và thực phẩm có chứa sữa, pho mát mềm, kem hoặc sữa chua... nếu nhiệt độ của chúng vẫn ở mức an toàn.

Ths Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lưu ý, người dân nên cẩn trọng hơn trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm và ăn uống. Bởi nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

Các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra. Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận các trường hợp rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Theo bác sĩ Hoài Phương, nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập rất cao ở các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa...

Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao cũng khiến hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn.

Ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Tùy theo tác nhân gây độc tố mà triệu chứng ở dạ dày, ruột, thần kinh... có thể khác nhau.

Người có các dấu hiệu như sốt, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng cần đến cơ sở y tế thăm khám. Tiêu chảy kéo dài, tiêu ra máu, mất nước, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn... là những biểu hiện khi ngộ độc thực phẩm diễn tiến nặng.

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh cũng có nguy cơ tử vong. Khi người bệnh có dấu hiệu và triệu chứng giống như ngộ độc thực phẩm cần đến bệnh viện ngay. Từ đó, các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nhiễm trùng nhiễm độc nặng và loại trừ các tình huống nguy hiểm cấp cứu như viêm ruột thừa cấp hay những tình trạng bụng ngoại khoa khác.


Tác giả: Phương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật