Cần quản lý chặt chẽ hơn các nền tảng mạng xã hội
Thời gian gần đây các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, YouTube xuất hiện nhiều nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn các nền tảng mạng này để đảm bảo an ninh an toàn không gian mạng, bảo vệ trẻ em, tránh những tác động tiêu cực đến xã hội.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Uỷ viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em |
"Rác thải" độc hại trên không gian mạng
Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, kết nối toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, toàn diện thì hoạt động của con người trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn. Môi trường mạng trở thành môi trường không thể thiếu đối với nhiều người. Khi các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh… trên không gian mạng ngày càng nhiều thì nhu cầu đảm bảo an ninh, an toàn ngày càng cao. Nguy cơ mất an toàn đối với nhà nước, với các tổ chức, cá nhân ngày càng hiện hữu trên không gian mạng.
Chính vì vậy công tác quản lý các hoạt động trên không gian mạng nói chung và quản lý các nội dung, hoạt động của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng càng phải được kiểm soát, quản lý tốt hơn, đảm bảo cho môi trường mạng trong sạch, an toàn, phát huy các mặt giá trị tích cực của các nền tảng mạng xã hội nói riêng và của các hoạt động thông tin, truyền thông nói chung.
Các thông tin giả mạo, thông tin xấu độc, các hình ảnh, clip nhảm nhí trên không gian mạng giống như "rác thải" độc hại trong đời sống xã hội. Nếu rác thải gây ô nhiễm môi trường, tác động đến không gian, khu vực mà nó xuất hiện thì "rác thải trên không gian mạng" có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, tác động nhanh chóng và tiêu cực hơn đối với đời sống xã hội. Thông tin xấu độc này làm ảnh hưởng đến mọi tầng lớp, lứa tuổi, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…, tác động tiêu cực đến hình thành nhân cách của trẻ em…
Các nội dung sai lệch, xấu độc xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng TikTok thời gian gần đây |
Trong các nền tảng mạng xã hội thì có lẽ TikTok là mạng xã hội thu hút giới trẻ nhiều nhất, đồng thời có nhiều hành vi vi phạm nhất, tác động tiêu cực nhiều nhất trong thời gian qua. Thống kê mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông thì nền tảng mạng xã hội này có 6 nhóm vi phạm thường xuyên và chủ yếu như sau:
Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; Tin giả; Nội dung nhảm nhí, độc hại gây nguy hiểm với trẻ em; Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view.
Không quản lý các thần tượng TikTok sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, thậm chí tạo trend; Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... Không có biện pháp kiểm soát các nội dung vi phạm bản quyền; Để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quyết định thanh tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội này trong tháng 5/2023 để có những thông tin, đánh giá đầy đủ, chính xác hơn, qua đó sẽ đưa ra các hình thức, biện pháp quản lý ở hiệu quả, ngăn chặn những tác động tiêu cực của nền tảng mạng này đối với xã hội.
An ninh, an toàn mạng là vấn đề cấp thiết
Trên thế giới, một số quốc gia đã yêu cầu mạng xã hội Tiktok phải điều trần, siết chặt công tác quản lý, thậm chí cấm nền tảng mạng xã hội này hoạt động ở quốc gia của họ. Tại Châu Âu - một trong những khu vực quản lý hoạt động của các nền tảng mạng xã hội chặt chẽ và nghiêm khắc nhất với những tiêu chuẩn về pháp lý, tài chính buộc các tập đoàn công nghệ lớn phải tuân thủ.
Tháng 4/2022, Luật dịch vụ kỹ thuật số được Liên minh Châu Âu thông qua, yêu cầu các tập đoàn và các nền tảng công nghệ lớn như Tiktok, Facebook, Twitter phải tăng cường hành động và chịu trách nhiệm pháp lý nhiều hơn trong việc đấu tranh chống lại các thông tin có nội dung xấu, độc. Nếu vi phạm các qui định thì các nền tảng mạng xã hội này có thể phải chịu mức phạt lên 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Đây là mức phạt khá nghiêm khắc có sức răn đe mạnh mẽ đối với nền tảng mạng xã hội để họ có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng, tăng cường công tác quản lý, nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực.
Nhiều thông tin độc hại trên TikTok đang tạo ra những trào lưu trong giới trẻ |
Tương tự tại Hoa Kỳ và nhiều nước châu Á cũng đã tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, đặc biệt siết chặt công tác quản lý đối với các nền tảng mạng xã hội. Tại Đông Nam Á thì Singapore là một trong những quốc gia quyết liệt trong việc sử dụng pháp lý "tuyên chiến" với thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Theo Luật tăng cường an toàn trực tuyến của Singapore, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải xóa bỏ những nội dung xấu độc. Nếu sau khi được yêu cầu, các mạng xã hội này từ chối gỡ bỏ thì nước này có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet chặn quyền truy cập của người dùng đối với các mạng xã hội này. Ngoài ra, họ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore, khoảng 715 nghìn đô la Mỹ.
Ngoài việc các chính phủ gây áp lực về kiểm soát việc "xả rác" trên không gian mạng thì việc thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới cũng được nhiều quốc gia đặt ra bởi các chính sách và pháp luật cụ thể. Các "ông lớn" công nghệ, các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật chơi ở mỗi quốc gia bởi lý do an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng của họ.
Xu hướng tăng cường công tác quản lý các hoạt động trên không gian mạng là xu hướng tất yếu của xã hội khi mà thế giới đang trong thời đại công nghệ thông tin kết nối toàn cầu. Khi biên giới lãnh thổ bị xóa nhòa thì chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, vấn đề an ninh an toàn mạng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Để đảm bảo an ninh an toàn trên không gian mạng thì việc xử lý đối với hành vi của từng tổ chức cá nhân là hoạt động thủ công và khó mang lại hiệu quả. Chính vì vậy "túm đầu" các đơn vị quản lý dịch vụ mạng xã hội; Tăng cường các biện pháp quản lý bằng pháp luật đối với các nền tảng mạng xã hội nói riêng và hoạt động công nghệ thông tin nói chung là việc nên làm và phải làm trong giai đoạn hiện nay. Việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý an ninh, an toàn mạng là cần thiết trong hoạt động quản lý nhà nước của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.