A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo lừa đảo đầu tư buôn bán động vật hoang dã

Không chỉ mất tiền, sự ra đi đột ngột của người thân, khiến nạn nhân các vụ lừa đảo đầu tư vào buôn bán động vật hoang dã bàng hoàng tỉnh ngộ.

Cảnh báo lừa đảo đầu tư buôn bán động vật hoang dã

Hình ảnh loại mật gấu có giá 500.000 đồng/1cc được rao bán trên mạng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nỗi ân hận suốt đời

Chỉ vì 6 lọ mật gấu “dởm” mua cho mẹ đang mắc ung thư, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh trú tại Lào Cai (tên nhân vật được thay đổi) đã mất 50 triệu đồng khi tin vào đối tượng lừa đảo, còn mẹ chị đã qua đời vào đầu năm nay. Nỗi đau này, khiến chị Oanh luôn day dứt.

Chị Oanh kể, cuối năm 2023, mẹ chị phát hiện mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3. Gia đình đã chạy chữa các bệnh viện lớn, nhỏ nhưng tình trạng bệnh của bà không thuyên giảm. Thương mẹ đau đớn, bất đắc dĩ chị Oanh tìm đến phương thuốc đông y, trong đó có các loại mật gấu, cao thuốc phiện nhằm bồi bổ và giảm các cơn đau cho mẹ.

Tìm đến nhóm trên mạng xã hội Facebook có tên “Lửa hồng” là diễn đàn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các bệnh nhân ung thư, chị Oanh được các đối tượng tự xưng là “người bán mật gấu xịn” sẵn sàng cung cấp các loại nội tạng động vật hoang dã. Song, đối tượng không giao dịch qua Facebook mà chỉ sử dụng Telegram. Giá của 1cc (1ml) mật gấu là 500.000 đồng, đối tượng không bán dưới 3cc. Ngay lập tức, chị Oanh đặt mua tổng cộng 6cc với số tiền là 3 triệu đồng.

Không chỉ mua cho mẹ sử dụng, chị Oanh còn nảy ý định kinh doanh mật gấu dù nghe nói đây có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Khi ngỏ ý với đối tượng rằng mình muốn làm cộng tác viên, chị được nhận giá sỉ là 400.000 đồng/1cc và phải chuyển số tiền 20 triệu đồng làm tiền đặt cọc đại lý. Hàng sẽ được chuyển về khi chị chuyển nốt số tiền 30 triệu đồng còn lại. Tuy nhiên, đối tượng đã chặn mọi liên lạc ngay khi nhận đủ 50 triệu đồng.

"Khi tôi chuyển tiền đợt 1, chúng gửi cho tôi 50cc mật gấu. Hàng về đến tay nên tôi càng tin tưởng và chuyển nốt số tiền còn lại cho chúng. Sau này tôi mới biết số hàng này toàn là giả" - chị Oanh thú nhận và nói thêm rằng không dám gửi đơn lên cơ quan chức năng vì biết đây là hành vi sai trái.

Đối tượng Quách Thị Nương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an tỉnh Ninh Bình

Đối tượng Quách Thị Nương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an tỉnh Ninh Bình

"Thả con săn sắt, bắt con cá rô"

Công an tỉnh Ninh Bình vừa khởi tố, bắt tạm giam Quách Thị Nương (SN 1981, trú tại Hòa Bình) vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do nợ nần và không có việc làm ổn định, Nương giả mạo có mối buôn hươu, nhung hươu và thảo dược trên mạng xã hội, lừa nhiều người góp vốn đầu tư để chiếm đoạt tiền.

Khi tạo được niềm tin thì đã có nhiều người tin tưởng và chuyển tiền cho Nương để “đầu tư buôn bán”. Tuy nhiên, Nương đã không dùng để buôn bán theo thỏa thuận mà đã chiếm đoạt tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học chỉ rõ chiêu thức lừa đảo mà các siêu lừa thường sử dụng. Các đối tượng sẽ đánh vào lòng tham, tính vụ lợi và sự thiếu hiểu biết về luật pháp và xã hội của nạn nhân, dùng chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô".

Chúng đưa ra những miếng mồi béo bở để nâng cao uy tín của bản thân. Ban đầu, khi cùng đầu tư, chúng sẵn sàng ăn chia sòng phẳng để nạn nhân tin rằng mình đang đầu tư đúng chỗ và tiền đang dễ dàng "đẻ" ra tiền. Tuy nhiên, khi nạn nhân giao nộp số tiền lớn, tài sản lớn thì chúng sẽ chiếm đoạt và biến mất.

"Nhiều người thấy lợi nhuận còn huy động tiền của người thân hoặc đi vay để giao nộp cho kẻ lừa đảo. Từ mình là nạn nhân mà biến bạn bè, người thân thành nạn nhân. Chính vì vậy, nhiều người sau khi bị mất tiền thì ảnh hưởng về tâm lý, xáo trộn về gia đình, thậm chí có người trầm cảm, tự tử hoặc dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật..." - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho hay.

Theo Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam (WSC Việt Nam), bên cạnh các biện pháp xử lý vi phạm, vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã tiếp tục được khẳng định.

Thống kê của WSC Việt Nam cho thấy, trong năm 2024 có 37 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã liên quan tới việc sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook.

Việc bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và tổ chức bảo tồn, mà còn là hành động thiết thực từ mỗi cá nhân. Mỗi người cần nói "không" với việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, không nuôi nhốt động vật hoang dã làm cảnh, đồng thời chủ động thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật