A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa dạng các hoạt động văn hóa kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa đa dạng.

Ngày 10/10/1954 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Do vậy, các hoạt động nhằm tái hiện khí thế hào hùng, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống và phát huy hơn nữa tình yêu với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Triển lãm 3D trực tuyến với tên gọi “Hỡi đồng bào Thủ đô”

Hoạt động nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng những tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh hoạ về cuộc đấu tranh chống Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỉ 19 đến năm 1954, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên công bố. Triển lãm dưới hình thức 3D trực tuyến giúp người xem có thể trải nghiệm không gian Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp mọi lúc, mọi nơi.

Đa dạng các hoạt động văn hóa kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô
Hình ảnh trưng bày trong triển lãm "Hỡi đồng bào Thủ đô"

Triển lãm bố cục thành 3 phần. Phần 1: "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời": Giới thiệu tài liệu hình ảnh về giai đoạn đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Hà Nội.

Phần 2: "Hà Nội vùng đứng lên": Giới thiệu tài liệu, hình ảnh về các cuộc đấu tranh cách mạng tại Hà Nội từ năm 1930 đến 1954.

Phần 3: "Hà Nội ngày về chiến thắng": Giới thiệu hình ảnh tài liệu, hình ảnh ngày giải phóng, vang mãi khúc khải hoàn ca.

Ban Tổ chức hy vọng triển lãm này sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho công chúng bằng công nghệ số, cung cấp những thông tin bổ ích về lịch sử Thủ đô Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng và hoà bình trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự hào của người dân Hà Nội song hành với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm”

Sự kiện diễn ra từ ngày 2 - 13/10 sẽ tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn Toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày Tiếp quản Thủ đô (1947 - 1954).

Tháng 2/1947, sau 60 ngày đêm khói lửa kiên cường, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành Hà Nội với lời hẹn chiến thắng trở về. Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân Hà Nội nói riêng đã trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ để có được ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Đa dạng các hoạt động văn hóa kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô
Các hoạt động văn hóa nhằm tái hiện ký ức Hà Nội (Ảnh minh họa)

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các hoạ sĩ, nhà nghiên cứu thực hiện trang trí không gian Bích họa phố Phùng Hưng qua mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức triển lãm ảnh về quá trình đi tới ngày tiếp quản Thủ đô (từ cách mạng tháng 8/1945 - 10/10/1954) với chuyên gia cố vấn là Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Trưng bày nhằm mục đích tuyên truyền về một trong những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử của dân tộc tới người dân, du khách; đồng thời, góp phần giáo dục lòng yêu nước với các em học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà nội nói chung có cơ hội tìm hiểu về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

Qua đó, mỗi công dân có những hành động thiết thực, ý nghĩa, đóng góp cho việc xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, đầy truyền thống và tự hào dân tộc.

Tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng”

Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch, thu hút nhân dân và du khách đến với quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đạo diễn sắp đặt, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức và Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng Chương trình tour thực cảnh giới thiệu nếp sống văn hóa của gia đình người Hà Nội xưa vào giai đoạn những năm 30 thế kỷ trước tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây.

Gia đình Hà Nội xưa (Ảnh minh họa)
Gia đình Hà Nội xưa (Ảnh minh họa)

Chương trình diễn ra từ ngày 4/10 - 31/12 lấy cảm hứng từ hình ảnh và những câu chuyện về Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây.

“Chuyện phố Hàng” sẽ tái hiện không gian và đời sống sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội làm nghề thuốc Đông y vào những năm 30 thế kỷ trước. Các nghệ sĩ trình diễn thông qua thực cảnh, các nhân vật và biểu diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống, kết hợp với kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, nhằm tạo cảm xúc và đưa khán giả trở về với cuộc sống người Hà Nội xưa.

Triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ”

Triển lãm gồm 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh). Người xem sẽ thấy cảm nhận rõ sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, một thời để nhớ, để trân trọng.

“Tôi đã yêu Hà Nội và người dân thành phố ngay từ khi đặt chân đến đây vào năm 1992. Ở đâu tôi đi cũng được đón tiếp bằng sự tử tế và lòng mến khách tuyệt vời và khi nhìn lại những bức ảnh của tôi từ thời đó, tôi thấy chúng là một ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố.

Tôi hy vọng những người Hà Nội đến thăm triển lãm sẽ yêu thích chúng như tôi, và chúng sẽ gợi lên những kỷ niệm và cảm xúc mạnh mẽ. Tôi cũng rất muốn tìm thấy một số người trong những bức ảnh vì sẽ thật tuyệt vời nếu được gặp họ, nghe câu chuyện của họ và chụp ảnh họ một lần nữa”, ông Andy Soloman chia sẻ.

Một Hà Nội đầy hoài niệm trong ảnh của Lê Bích
Một Hà Nội đầy hoài niệm trong ảnh của Lê Bích

“Hà Nội đã đổi thay rất nhiều nhưng tôi không cho phép mình quên đi những vẻ đẹp xưa cũ, nét tinh hoa của Hà Nội. Theo thời gian, tôi đã và đang thực hiện những bộ ảnh về vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội.

Tôi mong rằng nó sẽ là một nốt nhạc trầm trong bài ca về Hà Nội, một chùm nắng chiều làm rạng lên vẻ cổ kính của những cánh cổng chùa bạc màu thời gian, một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ lúc vào thu... để chúng ta thêm yêu Hà Nội, thêm trân trọng những gì chúng ta đã có ngày hôm nay”, NSNA Lê Bích tâm sự.

Triển lãm diễn ra từ ngày 10 - 31/10 tại Biệt thự di sản - số 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài.

Bên cạnh đó, tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm diễn ra triển lãm ảnh “Hà Nội Trong tôi” tập hợp 70 bức ảnh mầu và đen trắng chụp từ những năm 60 của thế kỷ trước của 18 nghệ sĩ, nhà báo. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - Số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm có hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.

Tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống diễn ra triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội”. Triển lãm sẽ giới thiệu 57 bức ảnh tư liệu về những hình ảnh chân thực của Hà Nội vào ngày Tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 của nhiều tác giả.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật