A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa số ý kiến đồng tình với quan điểm đổi tên Luật Căn cước

ĐBQH Trịnh Xuân An cho biết, đến thời điểm hiện tại đa phần các ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại hội trường và trong các phiên thảo luận tổ ở kỳ họp thứ 5. Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đó là về tên gọi của dự án Luật, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ đổi tên luật thành Luật Căn cước, trong khi một số đại biểu lại đề nghị giữ nguyên tên gọi như hiện nay.

Đối thoại - Đa số ý kiến đồng tình với quan điểm đổi tên Luật Căn cước

Nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án Luật.

Theo đại diện Bộ Công an, về tên gọi của Luật Căn cước việc sử dụng tên của Luật là "Luật Căn cước" như hồ sơ Luật mà Chính phủ trình Quốc hội sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật lần này (bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử), phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật.

Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.

Việc lược bỏ cụm từ "công dân" trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.

Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

Nếu để tên Luật là Luật Căn cước công dân sẽ không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này, tên Luật chưa bảo đảm phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật;

Kể cả việc chỉnh lý kỹ thuật như một số ý kiến tham gia theo hướng quy định việc quản lý đối với người gốc Việt Nam ở phần quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật cũng chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nội dung dự thảo văn bản cần phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của văn bản).

Ngoài ra, quy định tên Luật là Luật Căn cước công dân cũng dẫn đến cách hiểu chỉ thể hiện việc quản lý căn cước đối với công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước ở nước ta, không bảo đảm được yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định Luật.

Đối thoại - Đa số ý kiến đồng tình với quan điểm đổi tên Luật Căn cước (Hình 2).

ĐBQH Trịnh Xuân An thông tin tại họp báo.

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chiều ngày 19/10, trả lời báo chí về tên gọi của dự án Luật có đổi tên thành Luật Căn cước như đề xuất của Chính Phủ hay không?

ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết thêm, Luật Căn cước công sửa đổi đã đưa vào chương trình nhưng Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Căn cước.

Theo ông An đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong quá trình tiếp thu ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh rất cẩn thận, chặt chẽ xin ý kiến, đặc biệt đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. "Đến thời điểm này, đa phần các ý kiến cho rằng nên đồng tình với quan điểm với Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước", ông An cho hay.

"Tuy nhiên, đây là dự thảo đang tiếp thu, chuẩn bị đưa ra báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp này. Nhưng chúng tôi đề xuất là Luật Căn cước", ông An nói.

Liên quan một số ý kiến cho rằng sửa Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước hoặc thay các tên thẻ căn cước có gây ra tốn kém chi phí không? ông An cho biết trong dự án luật đã thiết kế, tính cách để không tác động đến xã hội, tránh phát sinh chi phí, thủ tục không cần thiết.

Cụ thể, sẽ quy định thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày có hiệu lực có thời hạn sử dụng đến ngày ghi trong thẻ và được cấp đổi sang thẻ căn cước khi người dân có nhu cầu.


Tác giả: Hoàng Thị Bích
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật