Kinh tế đêm không phải là những quán phở mà là không gian văn hóa
Các địa phương nói đến khai thác kinh tế đêm đã nhiều, nhưng chưa nơi nào có được sản phẩm đúng với tên gọi của nó. Các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, hoặc nổi tiếng du lịch như: Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ đều có chung một cách làm, chủ yếu tổ chức bán hàng ăn ban đêm.
Những con phố của các thành phố này, đúng như cách miêu tả của Trịnh Công Sơn, đó là “nỗi xôn xao hàng quán đêm đêm” (Em còn nhớ hay em đã quên). Ở đó là những hàng quán, bán các món đặc sản địa phương, để cho người dân, du khách ghé ăn đêm. Lác đác có vài bar rượu, phục vụ giới sành rượu, nghe nhạc và không còn gì khác.
Nhưng làm quán ăn đêm, ẩm thực là một phần của hoạt động kinh doanh, nhưng không phải là kinh tế đêm.
Kinh tế đêm phải hiểu là một ngành công nghiệp kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ vào ban đêm, kéo dài từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, khai thác tối đa túi tiền của du khách 24/24. Nhiều thành phố du lịch nổi tiếng thế giới đã khai thác rất thành công “tài nguyên đêm” mà ông trời cho để làm giàu, với rất nhiều sản phẩm, dịch vụ từ ăn uống đến vui chơi giải trí, từ nhà hát sang trọng đến âm nhạc đường phố, từ văn hóa bản địa đến lễ hội đa văn hóa, từ cano tới du thuyền.
Mỗi năm, các trang du lịch bình chọn và gọi tên những thành phố đêm với những slogan ấn tượng, như Thượng Hải “không bao giờ ngủ”, Tokyo “thị trấn không ngủ”, New York “nơi tiền không bao giờ ngủ”, Chicago “thiên đường mua sắm”... Khai thác kinh tế đêm còn thêm một sản phẩm nữa, đó là “đẹp”. Nhiều thành phố được du khách mong muốn đặt chân đến vì nổi tiếng đẹp về đêm như Sydney, Hồng Kông, Dubai, Praha, Vienna...
Thử hỏi, đã có thành phố nào của Việt Nam được nhắc đến với một slogan “đêm” trong các trang du lịch nổi tiếng chưa? Phải trả lời ngay là chưa, bởi vì chúng ta còn loay hoay mãi với những mô hình nhỏ lẻ, những hàng phở, hàng bún, hàng cháo. Người dân, du khách tối đến ghé qua ăn xong là hết, chẳng có gì để giữ chân thâu đêm suốt sáng.
Về tiêu chí đẹp, các thành phố của Việt Nam chưa được làm nổi bật, vẫn còn tư duy “vẻ đẹp tiềm ẩn”. Muốn đẹp trước hết phải sạch, nhưng Hà Nội, TPHCM rác nhiều quá, không thể đẹp được. Rác không chỉ dưới đất, mà còn rác trên trời, đó là các loại dây điện, rác viễn thông. Rác màu sắc là các loại biển hiệu lòe loẹt, bát nháo nhức mắt.
Kinh tế đêm hóa ra không chỉ là món ăn, là vui chơi, mà là một không gian văn hóa với nhiều giá trị gồm cái ngon, cái hay, cái đẹp để người dân, du khách tiếp cận, thụ hưởng.