A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỗi năm hàng trăm vụ sạt lở, các địa phương đã quá sức

Việc xử lí sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn chỉ mang tính khắc phục tạm thời theo phương thức xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lí, gia cố ở vị trí đó mà chưa có một giải pháp căn cơ. Bên cạnh việc di dời, tái định cư và lo an sinh cho người dân, mỗi năm, với hàng trăm vụ sạt lở diễn ra khắp các địa phương ở ĐBSCL, kinh phí khắc phục hậu quả đã quá sức chịu đựng của các địa phương.

Mỗi năm hàng trăm vụ sạt lở, các địa phương đã quá sức

Hiện trường vụ sạt lở trên kênh Đốc Phủ Hiền, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Lộc

Nặng gánh lo an sinh

Đầu tháng 6.2023, một dãy nhà ở ấp Bình Thuận 2, xã Hòa Ninh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã hoàn thành xây dựng. Đây là những căn nhà xây dựng tái định cư cho các hộ dân bị mất nhà ở và nhiều tài sản trong vụ sạt lở kinh hoàng sông Cổ Chiên xảy ra vào cuối năm 2022.

Thực tế, bên cạnh việc di dời, tái định cư và lo an sinh cho người dân, mỗi năm, với hàng trăm vụ sạt lở diễn ra khắp các địa phương ở ĐBSCL, kinh phí cho công tác khắc phục hậu quả và các giải pháp công trình, phi công trình đã quá sức chịu đựng của các địa phương.

Tại Cần Thơ, chỉ riêng dự án một đoạn kè chống sạt lở khẩn cấp trên sông Trà Nóc (quận Bình Thủy) đã ngốn tổng vốn đầu tư hơn 270 tỉ đồng. Trong khi đó, trước tình hình sạt lở đê biển ở Bạc Liêu và Cà Mau diễn biến ngày càng phức tạp, 2 địa phương đã khẩn trương triển khai giải pháp ứng phó. Trong đó, UBND tỉnh Cà Mau có tờ trình gửi đến Bộ Kế hoạch Đầu tư xin hỗ trợ 976 tỉ đồng để phòng chống sạt lở trong năm nay.

“Đối với việc xử lí sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn chỉ mang tính khắc phục tạm thời theo phương thức xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lí, gia cố ở vị trí đó. Có khi khắc phục xong, sau đó vẫn xảy ra sạt lở. Về lâu dài, tỉnh cần nguồn kinh phí hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư đồng bộ hệ thống các đê biển, đê sông thông qua các giải pháp công trình và phi công trình” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo chia sẻ.

Theo ông Đạo, về lâu dài, cần có các đơn vị chuyên môn tư vấn khảo sát, đánh giá sát tình hình thực tế sạt lở để có những giải pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn. Phải vừa ứng phó, vừa đảm bảo cuộc sống và sinh kế của người dân tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An Võ Kim Thuần, để có đủ nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phòng chống, xử lí sạt lở trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025 hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án xử lí sạt lở cấp bách.

Chờ giải pháp lâu dài

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở bờ sông thời điểm giao mùa trên địa bàn năm nay diễn biến phức tạp hơn các năm trước cả về số vụ và mức độ thiệt hại.

“Nguyên nhân là do triều cường làm nước chảy siết đã tạo những hàm ếch, khi mưa xuống rất dễ trượt xuống lòng sông, gây sạt lở” - ông Nam cho hay.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ), hiện nay, các công trình lớn như cầu đường, khu phức hợp các tòa nhà lớn, đê sông… có nhu cầu cát xây dựng và san lấp rất lớn. Do đó, việc nhập cát từ các nơi khác và sử dụng cát nhân tạo (đá núi, bê tông tháo dỡ công trình xây nhỏ) thay thế cần phải tính đến cho dù chi phí cao hơn.

Ông Tuấn cho rằng, các địa phương phải có bản đồ nguy cơ sạt lở. Các vùng có nguy cơ sạt lở phải hạn chế tốc độ tàu thuyền và cắm biển cảnh báo.

PGS.TS Lê Anh Tuấn thông tin thêm, Chính phủ đã ban hành Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6.7.2020 về phê duyệt “Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”.

Theo đó, quyết định này mang tầm quốc gia với 6 giải pháp chính. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các giải pháp này khó có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ sạt lở, cốt yếu là giảm thiểu và hạn chế thiệt hại vì nguyên nhân lớn nhất là nguồn cát và các chất trầm tích suy giảm từ thượng nguồn không thể kiểm soát và khống chế.

“Nan giải nhất là hiện nay chưa có giải pháp và thương thảo kinh tế hữu hiệu để ngăn việc phát triển các công trình thủy điện ở thượng nguồn. Việc phối hợp với Ủy ban sông Mekong chỉ dừng lại ở mức theo dõi và thống kê khối lượng bùn cát. Bài toán khó này, cho đến nay, vẫn chưa có lời giải đáp ổn thỏa…” - PGS.TS Lê Anh Tuấn nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan