A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiểu biết, giúp học sinh phòng, chống bạo lực học đường

Bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác và tinh thần cho học sinh. Chính vì vậy, mỗi học sinh cần ý thức được tác hại của bạo lực học đường và tích cực rèn luyện kĩ năng sống, trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác giáo dục kỹ năng, phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh, nhiều nhà trường trên địa bàn Hà Nội đã chú trọng đến nội dung này.

Nhận diện bạo lực học đường

Mới đây nhất, ngày 28/11, trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) phối hợp cùng Công ty cổ phần giáo dục Viet Future tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường”.

Nâng cao hiểu biết, giúp học sinh phòng, chống bạo lực học đường
Các em học sinh trường THCS Ba Đình sinh hoạt dưới cờ chủ đề Phòng, chống bạo lực học đường

Tại chương trình, đại diện của Tổ chức giáo dục Viet Future - thầy Nguyễn Công Bình đã chỉ rõ cho các em học sinh những hậu quả tiêu cực và hướng dẫn các kĩ năng phòng chống bạo lực học đường.

Theo thầy Bình, hiện nay, bạo lực học đường đang là một vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối trong xã hội. Đó là những lời nói hoặc hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp đạo lí, xúc phạm nhân phẩm, thân thể người khác gây nên những tổn thương tinh thần và thể xác ở phạm vi các mối quan hệ trong trường học (giữa giáo viên - học sinh, giáo viên với giáo viên, học sinh-học sinh hoặc đối tượng khác ngoài xã hội với học sinh).

“Sở dĩ bạo lực học đường tồn tại xuất phát từ nguyên nhân cư xử với nhau bằng bạo lực, sử dụng những từ ngữ, lời lẽ không hay trong gia đình. Đồng thời, sự phối hợp giữa gia đình và xã hội ở một trường học còn lỏng lẻo. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của các trò chơi chém giết trong game online, phim ảnh đầy những pha bắn giết, …kích động sự hung bạo của các em”, thầy Bình nhấn mạnh.

Bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác và tinh thần cho học sinh. Ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của nhà trường và xã hội. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.

Lắng nghe các em học sinh chia sẻ, cùng tháo gỡ những khúc mắc từ nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, thầy Bình hướng dẫn các em cách phòng chống bạo lực học đường: “Mỗi học sinh cần ý thức được tác hại của bạo lực học đường và tích cực rèn luyện kĩ năng sống, tôn trọng nhân phẩm, thân thể của bản thân và bạn bè cũng như người khác, sống chân thành, thật thà. Bên cạnh đó, các em cần chấp hành tốt nội quy trường lớp, tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực. Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí”.

Phong phú, đa dạng hình thức tuyên truyền

Không chỉ được tổ chức dưới dạng sinh hoạt chuyên đề, công tác truyền thông phòng, chống bạo lực học đường còn được tổ chức đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như tại trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) là đêm hội Halloween giúp học sinh tránh xa bạo lực học đường bằng hình thức sân khấu hóa, biểu diễn thời trang, tiểu phẩm. Tại trường THCS Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, nhà trường tổ chức "Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh dưới 16 tuổi".

Nâng cao hiểu biết, giúp học sinh phòng, chống bạo lực học đường
Học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường dưới hình thức sân khấu hóa trong đêm hội Halloween

Các cán bộ, giáo viên, học sinh trường THCS Lĩnh Nam đã được chuyên gia phổ biến những nội dung cơ bản và vấn đề cần lưu ý trong phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em trong trường học và gia đình; trao đổi về thực trạng bạo lực học đường, nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực học đường; dấu hiệu nhận biết trẻ em bị bạo lực học đường; phương thức, thủ đoạn phạm tội và tác hại, hậu quả của tình trạng bạo lực học đường tới bản thân học sinh, nhà trường, gia đình và xã hội...

Ngoài ra, các em học sinh cũng được hướng dẫn một số kỹ năng tự vệ để phòng tránh việc bị xâm hại, bạo lực học đường, bạo lực gia đình cùng những kỹ năng ứng phó khi bị người xấu tấn công, lôi kéo. Đáng chú ý, các chuyên gia của chương trình còn đưa ra những tình huống cụ thể, thiết thực để các em học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và trực tiếp tương tác, áp dụng kiến thức vào trong thực tế đời sống.

Theo cô giáo Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng trường THCS Lĩnh Nam: “Nội dung phòng tránh bạo lực học đường và phòng chống xâm hại trẻ em được đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hết sức quan tâm. Đây được coi là vấn đề được chú trọng hàng đầu trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và giáo dục nhân cách, kĩ năng sống cho học sinh trong nhà trường.

Trong suốt những năm học vừa qua, đội ngũ giáo viên trường THCS Lĩnh Nam luôn nỗ lực lồng ghép và thực hiện tốt các nội dung trên vào chương trình học hằng ngày thông qua các buổi sinh hoạt lớp, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm,... đã thu được những kết quả tích cực. Mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều buổi hướng dẫn, tuyên truyền đa dạng nội dung hơn nữa, giúp các em có các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và học tập”.

Em Phạm Tiến Đạt, học sinh lớp 8A6 chia sẻ: "Em cảm thấy đây là một chương trình rất ý nghĩa và thiết thực, qua đây em đã biết cách để nhận biết các hành vi bạo lực học đường và quan trọng hơn hết là kĩ năng phòng vệ bản thân để tránh những tác hại mà tình trạng này gây ra.

Là một học sinh trong nhà trường, em ý thức rõ được trách nhiệm của mình trong việc đẩy lùi bạo lực và những ảnh hưởng xấu của chúng trong nhà trường, chúng em quyết tâm sẽ xây dựng một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh để trường học luôn là mái nhà thân thương trong lòng mỗi bạn học sinh".

Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai Trương Thu Hà cho biết, trong những năm qua, công tác giáo dục tư tưởng, kĩ năng sống và nhân cách cho học sinh luôn được quận Hoàng Mai quan tâm chỉ đạo, triển khai trong các nhà trường. Trong đó, việc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bạo lực học đường cho học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn các hành động bạo lực và tác hại, hậu quả của chúng xâm nhập vào môi trường học đường; xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực".


Tác giả: Ngọc Minh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật