A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nền tảng thi đua yêu nước từ những công việc hằng ngày

Cách đây 76 năm, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” với mục đích là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm và cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân. Lời kêu gọi thi đua ái quốc xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, đem lại độc lập tự do cho dân tộc, sự ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam.

Nền tảng thi đua yêu nước từ những công việc hằng ngày

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hợp tác xã Thắng Lợi, xã Vinh Quang, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), nơi có phong trào thi đua trồng cây, gây rừng trên vùng đất trống, đồi trọc tiêu biểu nhất của miền Bắc, ngày 26.1.1964. Ảnh: Tư liệu

Khơi dậy tinh thần yêu nước thành sức mạnh

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước không chỉ để khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi người dân, dù đó là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, mà điều quan trọng hơn, thiết thực hơn là phải biến tinh thần yêu nước ấy thành sức mạnh vật chất hiện hữu, phải hiện thực hóa thành hành động cụ thể, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, các công việc yêu nước.

Như cách đây 76 năm, khi đưa ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thi đua ái quốc là phải hướng đến thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến, kiến quốc, “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Không hướng vào thực hiện thắng lợi các công việc yêu nước thì phong trào thi đua không rõ phương hướng, không cụ thể, mất đi ý nghĩa và sức sống của phong trào. Bản chất của thi đua yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh không dung chứa kiểu tổ chức phong trào thi đua mang tính hình thức, “đầu voi đuôi chuột”, hoặc thi đua theo kiểu ganh đua. Bản chất của thi đua yêu nước đòi hỏi mọi người đều phải ra sức thi đua, nêu cao tinh thần yêu nước để làm tốt hơn các công việc yêu nước.

Tuy nhiên, công việc yêu nước không phải là cái gì chung chung, trừu tượng hoặc “đao to búa lớn”, mà theo Hồ Chí Minh, đó là những công việc rất cụ thể, thiết thực, là “thực hiện tốt hơn các công việc hằng ngày” và đó chính là “nền tảng của thi đua”.

Người nhấn mạnh: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua”[1]. Thực hiện tốt hơn các công việc hằng ngày vừa là điểm xuất phát, vừa là mục đích của thi đua. Công việc hằng ngày bao gồm cả việc “lớn” như sản xuất, chiến đấu, công việc chung của cách mạng, của đất nước... đến việc “nhỏ”, như ăn, mặc, ở hay những việc làm đơn giản, thường xuyên hằng ngày của mỗi người. Do đó, thi đua không phải chỉ được tiến hành và tổ chức đối với những việc “lớn”, mà cả trong những việc “nhỏ”, thường nhật cũng đều cần phải thi đua. Thoát ly các công việc hằng ngày, xem nhẹ, bỏ qua các việc “nhỏ” thì phong trào thi đua sẽ không thiết thực, không toàn diện. Tư tưởng quan trọng này về thi đua yêu nước đã phản ánh sự thấu hiểu thực tiễn sâu sắc về hoạt động thi đua của con người trong cuộc sống, về đời sống thực tế của các tầng lớp nhân dân, về nội dung cốt lõi của thi đua yêu nước ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là biểu hiện của sự sáng tạo, nét độc đáo trong tư tưởng của Người về thi đua yêu nước.

Mọi việc đều thi đua, mọi người đều thi đua

Mặt khác, luận điểm “mọi việc đều thi đua, mọi người đều thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự phát triển sáng tạo, một sự bổ sung mới về lý luận thi đua xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích cao nhất và thiết thực nhất của thi đua là độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, cho nên phạm vi của thi đua hiện nay là hết sức rộng lớn, thi đua phải toàn diện, không giới hạn ở một lĩnh vực nào, ngành nghề nào, bất kỳ công việc gì ích nước, lợi dân… đều cần và có thể phải thi đua. “Tất cả mọi việc ích lợi cho dân sinh quốc kế, quan hệ với kháng chiến, kiến quốc, ta đều phải thi đua”[2].

Thực tiễn đã chứng minh, xuất phát từ quan điểm “người người thi đua, ngành ngành thi đua, “ngày ngày thi đua” [3], “thi đua phải toàn dân toàn diện” [4] và lấy “thực hiện tốt hơn các công việc hằng ngày” làm nền tảng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đẩy mạnh mọi mặt hoạt động, không ngừng phát triển và giành thắng lợi cả trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng con người mới, xã hội mới.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tr. 658.

[2]. Hồ Chí Minh toàn tập,
tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tr. 659.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập,
tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tr. 557.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập,
tập 5,
Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tr. 660.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan