Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường (5/9): Học sinh cả nước bước vào khai giảng năm học mới
Hôm nay - 5/9, học sinh trên cả nước náo nức trong ngày khai trường. Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về các vấn đề trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học mới.
Sẵn sàng cho một năm học đổi mới thi cử
Năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn tất chu trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với lớp cuối cùng của các cấp học với chủ đề: “Đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng”. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, sau 4 năm học triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học, ngành sẽ tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Xác định năm học sắp tới quan trọng, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị từng bước từ những năm học trước. Ví dụ, ngay sau khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được ban hành, Bộ GD&ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến quý IV/2024, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quy chế thi, trong đó bảo đảm tính ổn định nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho kỳ thi cần triển khai thử trên phạm vi đủ rộng để đánh giá trước khi áp dụng vào thực tế. Các sở GD&ĐT đã sẵn sàng phương án triển khai, tập dượt, tránh những rủi ro khi kỳ thi được triển khai chính thức.
Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm tới đây là năm đầu tiên học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018. Do đó, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị để ban hành hướng dẫn cho các địa phương thực hiện, với quan điểm chung là quy định về nguyên tắc, tạo khung để thống nhất trong quản lý, chỉ đạo trên toàn quốc; đồng thời phân cấp cho các địa phương tổ chức phù hợp với thực tế.
Về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024 - 2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023 - 2024 tăng 19.856 giáo viên (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người). Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng (mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp).
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo, trong đó có Luật Nhà giáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới, tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, năm học này sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm nên các sở cần lưu ý tham mưu xây dựng kế hoạch 5 năm 2025 - 2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Bởi vậy, các địa phương cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%. Ngoài ra, các địa phương cũng lưu ý khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi đối với các tỉnh, thành phố. Tuy mức độ chính sách đặc thù của mỗi địa phương khác nhau nhưng đều có thể khai thác được những điểm có lợi để đầu tư phát triển giáo dục. Thời gian qua, nhiều địa phương đã làm tốt việc này và tạo được nguồn lực, động lực cho phát triển giáo dục địa phương.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, một trong những mục tiêu trọng tâm sẽ được ngành Giáo dục tập trung thực hiện trong năm học 2024 - 2025 là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu và quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.
“Kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GD&ĐT. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Trước thềm năm học mới, người đứng đầu ngành Giáo dục gửi gắm tâm tư, kỳ vọng: “Năm học mới nhiệm vụ rất lớn, thử thách còn nhiều ở phía trước, mong các thầy, cô giáo và các em học sinh tiếp tục nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, phát huy sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Tôi kính chúc toàn thể các nhà giáo luôn mạnh khoẻ, thêm yêu nghề và hạnh phúc với nghề. Chúc các em học sinh, sinh viên phấn đấu vươn lên phát triển bản thân, có nhiều niềm vui trong học tập”.
Năm học mới 2024 - 2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, tôi mong ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trích “Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025”