A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân cảm nhận rõ sự "chuyển mình" của chính quyền 2 cấp

Ghi nhận ngày đầu tiên vận hành chính quyền 2 cấp tại một số địa phương trên cả nước cho thấy công tác vận hành bộ máy chính quyền mới bảo đảm thông suốt, hiệu quả, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân thuận tiện, nhanh chóng.

Đặt tinh thần phục vụ người dân lên hàng đầu

Ngày 1/7, 126 xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Tại các phường Bồ Đề, Hoàn Kiếm và Ngọc Hà, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cũng như các phòng, ban chuyên môn đã được kiện toàn. UBND các phường mới thành lập đã niêm yết thông tin, tiếp nhận và xử lý TTHC bình thường. Cán bộ, công chức nhanh chóng bắt nhịp với nhiệm vụ mới, không để gián đoạn công việc phục vụ người dân.

Ngay từ sáng sớm 1/7, nhiều người dân đến sớm để thực hiện các TTHC, với nhiều loại hình thủ tục cần giải quyết. Với sự chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất và con người, việc giải quyết các TTHC cho người dân được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, trật tự. Có một số công dân chưa cập nhật kịp thời việc điều chỉnh địa giới hành chính nên còn đến nhầm địa chỉ nhưng cũng đã được cán bộ của phường hướng dẫn kịp thời đầy đủ.

Dù chưa quen với địa chỉ tiếp nhận mới nhưng nhìn tổng thể, công dân của các phường cũ đều hồ hởi đón nhận sự thay đổi theo hướng “tinh gọn mạnh”, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để tạo thuận lợi tối đa, tiết kiệm chi phí và thời gian, công sức cho người dân.

Tại phường Bồ Đề, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND phường cho biết, công tác chuẩn bị vận hành các điểm hành chính công đã được chuẩn bị chu đáo; các thủ tục được công chức trực tiếp vận hành thử nghiệm trước 1 tuần, rút kinh nghiệm trước khi vận hành chính thức. Phường đã bố trí màn hình led cảm ứng, công khai danh mục các TTHC và thực hiện trực tuyến ngay trên màn hình một cách hiệu quả ngay từ buổi vận hành chính thức đầu tiên của mô hình chính quyền địa phương mới. Các ô tiếp nhận TTHC được niêm yết công khai để công dân dễ nhận diện và đến đúng chỗ cần làm thủ tục. Phường cũng đã bố trí cán bộ tiếp đón, hướng dẫn và xử lý các yêu cầu của người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm thông suốt.

Ông Phạm Anh Dũng (cư dân phường Bồ Đề) cho biết, ông đến để xin xác nhận sơ yếu lý lịch. Chỉ sau 10 phút, ông đã được cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ. “Thái độ và cách làm việc của cán bộ rất hòa nhã, khẩn trương, trách nhiệm, chính xác. Tôi chỉ mất 10 phút để hoàn tất cả thủ tục”, ông Dũng hào hứng cho biết.

Trong khi đó, tại phường Hoàn Kiếm, trong sáng 1/7 đã có khá đông người dân đến thực hiện các TTHC, trong đó chủ yếu là các thủ tục như khai sinh, đăng ký kinh doanh, các thủ tục liên quan đến đất đai. Khi được hỏi, người dân đều tỏ ra phấn khởi và hài lòng với việc tiếp nhận và xử lý TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội chi nhánh số 3 điểm Hoàn Kiếm.

Ông Đỗ Thanh Hà - công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội chi nhánh số 3 điểm Hoàn Kiếm cho biết, Trung tâm đã đi vào hoạt động và tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân từ ngày 1/4. Để chuẩn bị cho việc vận hành chính quyền 2 cấp, Trung tâm đã trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc để bảo đảm phục vụ cho người dân một cách tốt nhất, không bị gián đoạn dịch vụ hành chính.

Lãnh đạo Trung tâm cũng đã chỉ đạo chi nhánh phối hợp với các đơn vị như Mobifone, Bưu điện hướng dẫn người dân đến làm các TTHC thông thường đúng theo quy định, trả kết quả cho người dân sớm nhất, bảo đảm đúng quy định, không bị chậm trễ. Với việc chuẩn bị như vậy, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội trong ngày 1/7 đã diễn ra bình thường, thông suốt, bảo đảm tiến độ theo quy định.

Bà Nguyễn Hồng Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàn Kiếm cho biết, phường đã có sự chuẩn bị từ sớm để giải quyết các TTHC cho người dân, trong đó có việc tập huấn cho cán bộ để có thể tiếp nhận và xử lý ngay các TTHC cũng như các ý kiến phản ánh của người dân. “Chúng tôi xác định đây là chương trình làm việc lâu dài chứ không chỉ trong thời gian ngắn, đến khi người dân cảm nhận được sự chuyển mình của chính quyền. Đến thời điểm này, chúng tôi khá tự tin về việc cán bộ, công chức của phường Hoàn Kiếm sẵn sàng phục vụ nhân dân”, bà Nguyễn Hồng Trang cho hay.

Cán bộ, người dân phấn khởi với bộ máy mới

Tại xã Thái Mỹ (Củ Chi cũ), nơi nổi tiếng về làng nghề của TP Hồ Chí Minh, không khí làm việc cũng khẩn trương, nhanh chóng. Ngay từ sáng sớm, xã đã tổ chức họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã - Họp Ban Chấp hành Đảng bộ - Họp HĐND xã và tiến hành lễ chào cờ. Các công việc tiếp nhận hồ sơ TTHC cho người dân và doanh nghiệp được triển khai liền mạch. Nhiều người dân đã đến làm thủ tục như bình thường, không gặp trở ngại.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại xã Thái Mỹ, TP Hồ Chí Minh.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại xã Thái Mỹ, TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Thường trực Đảng ủy xã, UBND xã Thái Mỹ đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, đường truyền và đội ngũ công chức để giải quyết cho người dân trong ngày 1/7 theo nguyên tắc không để dồn, không để trễ và tạo sự hài lòng của người dân. Do có sự chuẩn bị tốt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công chức và sự chia sẻ của người dân nên ngày đầu vận hành của xã diễn ra suôn sẻ, nhiều người dân đánh giá cao. Thời gian tới, Ban Thường vụ Đảng ủy xã và UBND xã Thái Mỹ mong được người dân và doanh nghiệp luôn đồng hành, cùng giải quyết những nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Cũng trong sáng 1/7, phường Xuân Hòa tổ chức buổi chào cờ đầu tiên khi bắt đầu chính quyền đô thị 2 cấp. Theo ghi nhận, cán bộ, người dân phường phấn khởi tiếp nhận bộ máy mới. Việc vận hành thông suốt Trung tâm Phục vụ hành chính công được xác định là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ then chốt cần tập trung mọi nguồn lực. Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm luôn ý thức mình là bộ mặt của chính quyền, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Quyết tâm trong cải cách hành chính

Tại Quảng Ninh, trong sáng 1/7, các xã, phường, đặc khu đồng loạt tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ cấp ủy, Hội nghị Ban Chấp hành đảng bộ cấp xã để ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng thời, tổ chức Kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp xã để triển khai thực hiện một số nội dung công việc theo thẩm quyền; trong đó có thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2025.

Người dân đến làm thủ tục hành chính công tại xã Vĩnh Thực, Quảng Ninh.

Người dân đến làm thủ tục hành chính công tại xã Vĩnh Thực, Quảng Ninh.

Cũng trong sáng 1/7, tại đặc khu Cô Tô, sau Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ đặc khu lần thứ nhất, HĐND Đặc khu Cô Tô khóa I, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ nhất. Kỳ họp có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề để kiện toàn tổ chức bộ máy HĐND và UBND Đặc khu Cô Tô khóa I sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Phát biểu chỉ đạo, ông Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Đặc khu Cô Tô là một trong hai địa phương trong tỉnh không thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, chỉ tổ chức lại bộ máy, đây là một lợi thế tạo điều kiện để bộ máy sớm vận hành ổn định, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền Đặc khu cần chủ động cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị vào điều kiện thực tế địa bàn, chuyển mạnh từ “quản lý hành chính” sang “quản trị phát triển”; từ “giải quyết công việc” sang “tạo lập giá trị”, gắn kết mô hình chính quyền mới với động lực phát triển mới.

Tại Hải Phòng, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của TP cũng chính thức đi vào hoạt động sau khi hợp nhất với tỉnh Hải Dương. Tại 114 xã, phường và đặc khu, các Trung tâm hành chính công sẵn sàng phục vụ người dân.

Theo ghi nhận PV, trong sáng 1/7, Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Phong rất đông người dân đến làm thủ tục hành chính. Sau khi vận hành mô hình chính quyền mới, phường An Phong đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ phường lần thứ nhất thông báo các Quyết định của Thành ủy về công tác cán bộ phường An Phong; thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy ban Kiểm tra phường nhiệm kỳ 2025 - 2030; Quyết định thành lập các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng ủy và các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy; Đề án thành lập các cơ quan chuyên môn; phương án bố trí nhân sự các cơ quan chuyên môn thuộc UBND phường; Dự thảo Quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND phường.

Ông Lâm Văn Đạt - Chủ tịch UBND phường An Phong cho biết, phường An Phong được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số các phường: An Hòa, Hồng Phong và một phần phường Lê Thiện, Lê Lợi, Tân Tiến và một phần phường Đại Bản, quận Hồng Bàng (cũ). Đến nay, cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ mô hình hành chính công tại phường đã được hoàn thiện, đầy đủ nhân lực bảo đảm giải quyết các TTHC cho người dân.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân trong việc thực hiện các TTHC, UBND phường An Phong đã chính thức thành lập nhóm hỗ trợ Trung tâm Hành chính công do Phó Giám đốc Trung tâm làm trưởng nhóm, với nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người dân nhanh chóng, thuận tiện trong quá trình làm các TTHC.

Việc thành lập nhóm hỗ trợ này thể hiện sự quyết tâm của UBND phường An Phong trong việc cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Người dân khi đến Trung tâm Hành chính công sẽ được đội ngũ cán bộ nhiệt tình, chuyên nghiệp hỗ trợ tận tình, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và các thủ tục phức tạp.


Tác giả: M.Ngọc- Tr.Giang - B.Yên - D.Trường - H.Dương - Ng.An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật