Người phụ nữ “biến” rác thành chất tẩy rửa hữu cơ
Với mô hình kinh tế tuần hoàn, bà Trịnh Thị Hồng đã có sáng kiến, biến rác thải thành các chất tẩy rửa hữu cơ, góp phần phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường bền vững, đồng thời mở ra cơ hội việc làm cho phụ nữ nghèo.
Bà Trịnh Thị Hồng bên chế phẩm sinh học nước lau sàn có nguyên liệu từ 100% rác thải hữu cơ (ảnh Đ.Minh) |
Nhắc đến bà Trịnh Thị Hồng (SN 1965), bất cứ người dân nào của phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng đều biết đến với tên gọi đầy trìu mến “Hồng rác thải”. Bà Hồng vốn là công nhân và chưa từng được đào tạo về công nghệ sinh học nhưng người phụ nữ U60 này đã tự tìm tòi, nghiên cứu ra phương pháp chuyển hóa rác hữu cơ thành chất tẩy rửa.
Chế nước rửa chén từ rác thải
Chia sẻ về ý tưởng “biến” rác thành tiền xuất hiện khi thấy khu dân cư mình ở ứ đọng rác thải, bà Hồng đã vận động các cháu thiếu niên từ mẫu giáo lớn đến lớp 9, thành lập “Đội thiếu niên bảo vệ môi trường” phân chia nhau quét hết các con đường xung quanh và nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi.
“Vào khoảng cuối năm 2011, khi xe vận chuyển rác thải của khu vực nơi tôi đang sống bị hỏng 4 ngày không chuyên chở rác được khiến rác thải hữu cơ bị phân hủy, gây mùi thối, ô nhiễm môi trường, tôi chợt nghĩ liệu có thể tái chế rác thải, biến rác thải thành tiền được không?” bà Hồng nhớ lại.
Năm 2012, bà Hồng đại diện cho phụ nữ Đà Nẵng có cơ hội tham dự hội thảo “Phát triển cộng đồng nghèo Châu Á” tại Philippines. Tại đây, bà đã được nghe thuyết trình của đại diện Thái Lan về công nghệ lên men sinh học tạo chế phẩm từ rác thải hữu cơ.
Trở về nước, tâm đắc với mô hình này, bà Hồng quyết tâm mang công nghệ này về Việt Nam và bắt đầu nghiên cứu để tạo ra sản phẩm tẩy rửa hữu ích, thân thiện với môi trường với giá thành rẻ. Công thức “3 đường, 3 rác, 10 nước”, nghe qua tưởng đơn giản nhưng bà Hồng mất tới 4 năm trải qua nhiều lần thất bại mới thành công.
Minh Hồng Biotech xử lý trung bình 109 tấn rác thải hữu cơ/tháng thành chất tẩy rửa, góp phần xử lý 60% rác thải hữu cơ tại cộng đồng (Ảnh Đ.Minh) |
“Những loại rau, củ, quả, lá cây hỏng… nếu vứt đi sẽ thành rác nhưng khi được tái chế sẽ là nguyên liệu sử dụng được. Những ngày đầu, tôi đã đi từng nhà quanh khu dân cư tôi ở, dặn họ đừng vứt rác thực vật ra đường, mà hãy đem qua nhà cho tôi. Sau đó tôi tự lọc và sơ chế. Trải qua nhiều công đoạn rất dài mới có thể thành công vì bản thân tôi bắt đầu từ con số 0 tự tìm hiểu”, bà Hồng bộc bạch.
Công thức chế biến rác thành dung dịch tẩy rửa khá đơn giản. Nguyên liệu ban đầu gồm 3kg rác thực vật (lá cây, rau, củ, quả...), đem rửa sạch, cắt ngắn khoảng 3cm kết hợp với 10kg nước và 300g đường tinh bột trộn đều và ủ trong thùng kín 30 ngày. Kết thúc công đoạn này sẽ thu được thứ dung dịch thô màu vàng, có thể dùng được ngay. Tuy nhiên, dung dịch có nhược điểm mùi hôi khó chịu. Để khử mùi hôi và tạo màu, bà Hồng đem ủ thêm 45 ngày với các chế phẩm có màu như: Cà tím, nghệ tinh bột để cho ra dung dịch rửa chén và lau nhà hoàn hảo.
Sau nhiều nhiều lần thực hiện kiểm định, đến tháng 10/2015, sản phẩm của bà Hồng đã đáp ứng được gần hết tiêu chí của Bộ Y tế nhưng còn thiếu duy nhất tiêu chí độ pH vẫn quá thấp, từ tháng 10/2015 - 6/2016 mới hoàn thành tiêu chí cuối cùng này.
Do đó, gần 4 năm (2012 - 2016), bà Hồng đã dành toàn bộ thời gian để ổn định công thức, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, ra mắt thương hiệu nước rửa chén mang tên “Minh Hồng”.
Đóng góp cho kinh tế tuần hoàn
Năm 2016, sau khi nghiên cứu thành công dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, bà Hồng đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất cho phụ nữ địa phương. Bà thành lập Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng (Minh Hồng Biotech) để tiến hành bao tiêu sản phẩm.
Mô hình kinh tế tuần hoàn của bà Hồng đã góp phần vào giải quyết rác thải và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ. Các sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau sàn, nước rửa tay… đều có nguyên liệu từ 100% rác thải hữu cơ như rau, củ quả, các loại thực vật.
Bên cạnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn của bà Hồng không chỉ có giá trị ở việc biến rác thải hữu cơ thành các sản phẩm tẩy rửa, mà còn ở việc trao công thức cho 400 phụ nữ khó khăn tại Đà Nẵng và hướng dẫn họ làm, có thêm thu nhập bằng cách tái chế rác hữu cơ, tạo ra các chế phẩm cơ bản đem đến Minh Hồng Biotech bán. Sau đó, chế phẩm sẽ được nhân viên của công ty lọc cặn bã, khử độc, đóng gói bao bì.
Bà Hồng phối hợp với Hội LHPN của các tỉnh/thành phố đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công thức sản xuất cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn (ảnh NVCC) |
Không chỉ tại Đà Nẵng, mà Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phố: Quảng Nam, Quảng Trị, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên… được bà Hồng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại chế phẩm sinh học. Riêng ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) bà Hồng đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức 12 lớp tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật làm các loại chế phẩm sinh học (100 người/lớp).
Để mở rộng sản xuất, bà Hồng mở các lớp tập huấn miễn phí quy trình sản xuất chế phẩm cho các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường Hòa Minh (Đà Nẵng) thông qua các đại lý phân phối, triển khai mô hình thu mua bao bì để tái sử dụng.
Từ nguồn rác thải rau củ được ủ lên men, trải qua quy trình xử lý, Minh Hồng Biotech đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm chủ đạo, gồm: Nước rửa bát, nước lau sàn và nước giặt xả. Các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nên không gây kích ứng với người dùng, đồng thời phân hủy tới 99,4% nếu thải ra môi trường, trong khi giá rẻ hơn 1,5 - 9,5 lần so với các chế phẩm cùng loại trên thị trường.
Ngoài ra, với mẫu can 4,5 lít, khi mang trả lại đại lý, khách hàng có thể nhận về 5.000 đồng/chiếc, còn mẫu 1,7 lít là 2.000 đồng. Để hạn chế rác thải nhựa, Minh Hồng Biotech còn giảm giá cho những khách hàng đem chai tới rót mang về.
Trải qua đủ cực nhọc mưu sinh, bà Hồng luôn ao ước hỗ trợ các phụ nữ khó khăn, bà chia sẻ với họ cách làm chế phẩm sinh học từ rác và bao tiêu sản phẩm. Bà chia sẻ: “Tôi giữ quan điểm không cho không người nghèo mà giúp họ một công việc ổn định, có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Để mỗi hộ có thu nhập đều đặn 5 triệu đồng/tháng, tôi thu mua từ mỗi người không quá 2.000 lít/tháng, như vậy để nhiều người được hưởng lợi”.
Bà Trịnh Thị Hồng là tấm gương phụ nữ được vinh danh tại triển lãm ảnh “17 gương mặt nữ Hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững" (Ảnh NVCC) |
Rất nhiều công ty đã tìm đến với bà Hồng để hợp tác phát triển sản phẩm hoặc mua lại quy trình sản xuất lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, bà đều từ chối với lý do không đảm bảo được hai yếu tố môi trường và sinh kế cho người nghèo.
Hiện nay, trung bình Minh Hồng Biotech xử lý 109 tấn rác thải hữu cơ/tháng thành chất tẩy rửa, góp phần xử lý 60% rác thải hữu cơ thực vật tại cộng đồng, tạo sinh kế cho gần 400 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại TP Đà Nẵng.
Bà Hồng hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP Đà Nẵng, đồng thời trở thành cố vấn cho nhiều mô hình khởi nghiệp với kinh nghiệm độc đáo của mình. Gần đây, bà đã đồng hành cùng các nhóm phụ nữ khởi nghiệp phát triển thêm các sản phẩm mới từ quá trình trồng và khai thác quả có múi, hạn chế rác thải và đóng góp cho kinh tế tuần hoàn.
Vừa qua, bà Trịnh Thị Hồng vinh dự là tấm gương phụ nữ được vinh danh tại triển lãm ảnh “17 gương mặt nữ Hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững", do Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội Trao quyền cho Phụ nữ Thuỵ Sĩ tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Bà Trịnh Thị Hồng ghi danh vào các giải thưởng: Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2017 do Bộ TN&MT trao tặng; giải Nhất toàn quốc HATCH! FAIR 2016 triển lãm và hội nghị khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam; tháng 8/2023, doanh nghiệp nằm trong Top 30 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) xuất sắc. |