A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều loài cá trên sông Mê Kông đối mặt nguy cơ tuyệt chủng

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, 1/5 số loài cá huyết mạch chính trên sông Mê Kông đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do phát triển không bền vững.

Sông Mê Kông, trải dài gần 5.000 km từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông, là huyết mạch canh tác và khai thác thủy sản của hàng chục triệu người ở Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Nhiều loài cá trên sông Mê Kông đối mặt nguy cơ tuyệt chủng
Cá ở sông Mê Kông chiếm hơn 15% sản lượng đánh bắt nội địa của thế giới. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, các mối đe dọa đối với loài cá như: Mất môi trường sống, chuyển đổi vùng đất ngập nước sang nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, khai thác cát không bền vững, du nhập các loài xâm lấn, biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và các đập thủy điện chia cắt dòng chảy của sông và các nhánh của nó.

Nhà sinh vật học về cá Zeb Hogan, người đứng đầu tổ chức Kỳ quan sông Mê Kông cho biết: “Mối đe dọa lớn nhất hiện nay và đang có xu hướng gia tăng là phát triển thủy điện.

Theo ông, các con đập làm thay đổi dòng chảy của con sông có độ đa dạng sinh học lớn thứ ba trên thế giới, thay đổi chất lượng nước và ngăn chặn sự di cư của cá.

Theo Reuters đưa tin vào năm 2022, các đập thủy điện do một số quốc gia xây dựng ở thượng nguồn đã chặn phần lớn trầm tích cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho hàng chục nghìn trang trại ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo "The Mekong Forgotten Fishes" của các nhà bảo tồn cho biết, khoảng 19% trong số 1148 loài cá ở sông Mê Kông đang có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời cho biết thêm rằng con số này có thể cao hơn vì có quá ít thông tin về 38% số loài được biết đến.

Trong số những loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, có 18 loài được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào danh sách "cực kỳ nguy cấp", bao gồm hai loài cá da trơn lớn nhất thế giới, cá chép lớn nhất thế giới và cá đuối nước ngọt khổng lồ. Ông Hogan chia sẻ thêm: “Một số loài cá lớn nhất và hiếm nhất… ở bất kỳ đâu trên trái đất đều xuất hiện trên sông Mê Kông”.

Báo cáo còn cho biết, sự suy giảm cá ở sông Mê Kông chiếm hơn 15% sản lượng đánh bắt nội địa của thế giới, tạo ra hơn 11 tỷ USD hàng năm - có thể gây tổn hại đến an ninh lương thực cho ít nhất 40 triệu người ở lưu vực hạ lưu sông Mê Kông vốn có sinh kế phụ thuộc vào dòng sông.

Vẫn chưa quá muộn để các nước ở vùng đồng bằng phối hợp nỗ lực nhằm đảo ngược những tác động bất lợi đối với quần thể cá. “Nếu chúng ta đồng lòng hành động để phát triển dòng sông một cách bền vững thì vẫn còn hy vọng” - ông Hogan cho biết.

 

Tác giả: Khánh Ly
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan