Sản phẩm OCOP góp phần nâng tầm cây thuốc Việt
Tận dụng nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam, những năm qua, chị Nguyễn Thị Hà, (Thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đã mày mò nghiên cứu, chế xuất ra vị thuốc từ những cây thảo dược, góp phần nâng tâm cây thuốc Việt. Đặc biệt, hiện nay, Công ty TNHH phát triển thảo dược Việt đã có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Vốn yêu thích những thảo mộc tự nhiên từ khi còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Hà, (Thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đã mày mò nghiên cứu, chế xuất ra vị thuốc từ những cây thảo dược trong vườn nhà. Năm 2019, Công ty TNHH phát triển thảo dược Việt ra đời, sau hơn một năm xây dựng và phát triển, công ty đã có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Là một người thực sự tâm huyết với các sản phẩm thảo mộc, chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Công ty TNHH phát triển thảo dược Việt đã không ngừng nghiên cứu, bào chế ra các loại dược liệu đảm bảo chất lượng, góp phần nâng tâm cây thuốc Việt.
Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm từ thảo mộc Việt, ứng dụng công nghệ để có hiệu quả cao, chị Hà hướng đến phát triển những sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Để có đủ nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất và bào chế thuốc, Công ty TNHH phát triển thảo dược Việt đã liên kết cùng bà con nông dân tại Mộc Châu - Sơn La xây dựng vùng nguyên liệu được kiểm soát chặt chẽ về quy trình trồng, chăm sóc cũng như chất lượng các loại cây dược liệu. Hiện toàn bộ vùng nguyên liệu được trồng theo công nghệ IMO, sản xuất theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng đến hóa học.
Chị Nguyễn Thị Hà, (Gia Lâm, Hà Nội) đã mày mò nghiên cứu, chế xuất ra vị thuốc từ những cây thảo dược, góp phần nâng tâm cây thuốc Việt |
Các loại cây phổ biến được trồng để bào chế thuốc gồm có: Tía tô, hẹ, gừng, cần tây, rau má, tỏi… Để giữ nguyên được dược tính cũng như chất lượng của sản phẩm, các thảo mộc sau khi được thu hái sẽ được ứng dụng công nghệ sấy phun nano, phương pháp này giúp thu được sản phẩm tinh chất hoàn hảo, dạng bột siêu mịn, độ hòa tan lên đến 85-90% và gần như giữ lại được hết các hoạt chất, màu, mùi, vị… thơm ngon, tiện lợi dễ sử dụng.
Trong số các sản phẩm của Công ty, chị Nguyễn Thị Hà tâm huyết nhất với sản phẩm viên gừng đẩy hàn. Để có nguyên liệu làm ra sản phẩm này, chị Hà phải lựa chọn trồng giống gừng sẻ ruột vàng, cay nồng, chứa các hoạt chất như: Gingerol, alkene, phenol và ketone. Gừng có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, chống nấm và chống virus… do đó, sản phẩm có tính ứng dụng cao, tiện sử dụng, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Hiện tại, mỗi tháng Công ty cho ra thị trường trung bình 2.000-3.000 sản phẩm, đóng gói vào hộp dạng viên, thiết kế bắt mắt, tiện lợi và dễ sử dụng. Người dùng có thể mang theo mọi lúc mọi nơi. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, năm 2021, Công ty đã thực hiện quy trình xây dựng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm. Theo đó, công ty đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, gồm: Viên gừng đẩy hàn, tinh chất tỏi, tinh chất tía tô, tinh chất rau má, tinh chất hẹ, tinh chất cần tây. Đây là một bước đệm để Công ty TNHH phát triển thảo dược Việt đưa sản phẩm đi khắp các vùng miền, giúp các gia đình có thể chăm sóc sức khỏe an toàn từ thảo mộc Việt.
Tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế
Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, năm 2022, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của huyện theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp, hộ sản xuất và tập thể thực hiện; quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Hiện chị Nguyễn Thị Hà đã đưa sản phẩm đi khắp các vùng miền, giúp các gia đình có thể chăm sóc sức khỏe an toàn từ thảo mộc Việt |
Huyện cũng phấn đấu năm 2022 có hơn 30 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, tập trung vào những sản phẩm lợi thế tại các làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; dát quỳ vàng và may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp; sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, quả an toàn tại các xã Văn Đức, Đặng Xá...
Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền để các chủ thể phát huy thế mạnh sản phẩm đã được chứng nhận, hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục đăng ký nâng cao chất lượng; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã đạt sao OCOP để tạo đầu ra ổn định và tiếp tục phấn đấu xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên.