A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ

Các biện pháp chăm sóc gia súc, gia cầm trong và sau mưa bão đang được cơ quan chức năng tăng cường khuyến cáo, giúp nông dân chăn nuôi an toàn, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.

Tuyên truyền, nâng cao cảnh báo đối với người chăn nuôi

Thời gian qua, các tỉnh ven biển đã có những trận mưa lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nói chung và hoạt động chăn nuôi nói riêng.

Do đó, để chủ động các biện pháp đảm bảo chăn nuôi ổn định trong mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp các tỉnh ven biển đã đưa ra khuyến cáo đối với người chăn nuôi.

Là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ với 82km bờ biển, trung bình mỗi năm Nghệ An có khoảng 6 - 8 cơn bão lớn nhỏ khác nhau ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại về nhiều mặt. Trong đó, đối mặt với rủi ro và thiệt hại nhất là ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ
Người dân gia cố che chắn chuồng gia súc trước mùa mưa bão

Mưa bão tác động không những làm ngập, cuốn trôi gia súc gia cầm, làm tốc mái, hư hại chuồng trại mà còn gây khan hiếm nguồn thức ăn; Làm giảm sức đề kháng con vật và ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh các dịch bệnh dẫn đến vật nuôi mắc bệnh chết, phát triển kém, chậm lớn…

Để góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão nguời chăn nuôi, tỉnh thường xuyên cập nhật, theo dõi dự báo thời tiết, diễn biến của mưa bão hàng ngày để có kế hoạch chủ động ứng phó trước khi có mưa bão xuất hiện.

Trước khi mưa bão, người dân cũng được khuyến cáo luôn kiểm tra, gia cố lại chuồng trại cho chắc chắn nhất là phần mái, rèm che, tường chuồng. Mái chuồng cần gia cố bằng cách chằng néo, đặt các bao cát lên để hạn chế tốc mái khi có gió bão, đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.

Người chăn nuôi cần chuẩn bị máy phát điện, than, củi… để thắp sáng và sưởi ấm vật nuôi nhất là con non tuyệt đối không để bị lạnh. Vùng có nguy cơ ngập lụt cần nâng cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi cần.

Sau mưa bão, người dân cần nhanh chóng tu sửa lại những chỗ chuồng bị hư hỏng, thu gom dọn dẹp vệ sinh phân rác vệ sinh tiêu độc chuồng trại; Thay mới hoặc bổ sung lớp đệm lót khô sạch trước khi đưa vật nuôi vào.

Chủ động phòng dịch bệnh cho vật nuôi

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2022 tuy bão và áp thấp nhiệt đới ít hơn trung bình năm nhưng nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật sẽ diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, tổng lượng mưa cao hơn trung bình có khả năng gây ngập lụt, mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn tấn công đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là sau các đợt bão lụt.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có đàn trâu hơn 27.600 con, đàn bò trên 34.000 con, đàn lợn gần 263.000 con, đàn gia cầm hơn 4 triệu con; hơn 21.000ha nuôi trồng thủy sản với 14.506 ô lồng.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ
Đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng trại trước và sau mùa mưa bão

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi về công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; Đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho đàn vật nuôi nhằm khống chế, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Trước mùa mưa bão, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, căn cứ vào số lượng tổng đàn, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành đảm bảo nguồn thuốc tiêm phòng các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng… để cán bộ phụ trách thú y ở các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã triển khai thực hiện tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi với số lượng lớn.

Còn tại các lò giết mổ tập trung, các điểm chợ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách vệ sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đảm bảo phòng dịch cho đàn vật nuôi các địa phương trong tỉnh triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm 2 đợt/năm, đợt 1 vào tháng 3, 4 và đợt 2 vào tháng 9, 10, đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính.

Bên cạnh đó, các địa phương đã duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng 10% theo kế hoạch tỉnh giao để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch khi tình huống có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc xin cung ứng dịch vụ cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới.


Tác giả: Phương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan