A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí ẩn toan tính của ông Putin với Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin cho biết đề xuất ngoại giao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra đáng xem xét, nhưng không loại trừ việc Nga tấn công Ukraine.

Trong cuộc gặp mặt với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được lên lịch gấp rút hôm 7/2, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng tiếp tục đàm phán về các yêu cầu an ninh của Moscow ở Đông Âu, nhưng đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và phương Tây.

Tại buổi họp báo chung với ông Putin sau đó, ông Emmanuel Macron mô tả những ngày sắp tới có khả năng quyết định việc loại trừ điều mà phương Tây lo ngại: một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

"Chúng ta đang ở trong một tình huống căng thẳng tột độ, một mức độ bất ổn mà châu Âu hiếm khi gặp phải trong những thập kỷ qua", ông nói.

Thế nhưng, nhà lãnh đạo Nga đánh giá các đề xuất mà tổng thống Pháp đưa ra trong cuộc gặp riêng tại Điện Kremlin vừa qua là "quá sớm để nói về vấn đề này", song có thể tạo ra "nền tảng cho những bước tiến xa hơn".

New York Times nhận định ông Putin, một lần nữa, lại tận dụng cuộc gặp mặt kéo dài 5 tiếng với người đồng cấp Pháp vào hôm 7/2 để khiến thế giới tiếp tục phải "đoán già đoán non" về ý định của mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc. Ảnh: Alexei Druzhinin.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp - Nga diễn ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng để bàn về các phản ứng đối phó xuyên Đại Tây Dương với một cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào Ukraine. Nó cho thấy sự bất an ở phương Tây trong bối cảnh Nga điều lực lượng quân đội khổng lồ xung quanh biên giới nước láng giềng.

Chiến thuật "câu giờ"?

Không thể phủ nhận, ông Putin là một chiến thuật gia hàng đầu. Các cuộc hội đàm cùng lúc hôm 7/2 ở Moscow và Washington đã cho thấy khả năng của ông để buộc phương Tây phải chú ý đến những bất bình của Điện Kremlin trước việc NATO mở rộng.

Nhưng liệu sự chú ý đó có đủ để khiến ông Putin hài lòng hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Một số nhà phân tích lo ngại rằng việc ông tham gia vào các cuộc gặp ngoại giao trong những tuần gần đây chỉ đơn thuần là để "câu giờ" cho quân đội Nga chuẩn bị bước cuối cùng của cuộc xâm lược.

Trong cuộc gặp vừa qua, ông Putin cho biết Nga vẫn đang nghiên cứu phản hồi bằng văn bản của Mỹ về các đề xuất đảm bảo cấu trúc an ninh của Đông Âu, dự đoán rằng "các cuộc đối thoại" sẽ được tiếp tục mặc dù "phương Tây phớt lờ yêu cầu chính của Nga".

Phát biểu trước các phóng viên tại Điện Kremlin, ông cho hay nếu Ukraine gia nhập NATO - kịch bản mà các quan chức phương Tây coi là viễn cảnh xa vời, nhưng Điện Kremlin lại mô tả là mối đe dọa hiện hữu - một cuộc chiến tranh rộng hơn sẽ xảy ra.

"Bạn muốn Pháp đối đầu với Nga? Đó chính xác là những gì sẽ xảy ra", ông Putin trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp, đề cập đến việc NATO, đồng minh của Ukraine, có thể tìm cách giành lại bán đảo Crimea.

Ông Putin và ông Macron nói chuyện riêng với nhau mà không có các phụ tá. Ảnh: AFP.

Chưa hết, khi được hỏi liệu Nga có xâm lược Ukraine hay không, nhà lãnh đạo Điện Kremlin thẳng thắn bày tỏ ông không loại trừ khả năng.

Ông khẳng định Thủ tướng Ukraine Volodymyr Zelensky cần thực hiện kế hoạch hòa bình đã được đàm phán tại Minsk, Belarus, vào năm 2015. Kế hoạch này có thể tạo điều kiện cho Moscow gây ảnh hưởng lên các quyết định chính sách đối ngoại của Ukraine.

Mô hình "Phần Lan hóa" Ukraine

Ông Macron dự kiến ​​bay đến Kiev, thủ đô Ukraine, vào ngày 8/2 để tiếp tục hoạt động "ngoại giao con thoi" trong cuộc gặp với ông Zelensky.

Tổng thống Pháp đã nổi lên là người đối thoại chính của châu Âu với ông Putin trong cuộc khủng hoảng. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện qua điện thoại 5 lần kể từ tháng 12/2021 và ông Putin cho biết họ sẽ nói chuyện lại sau chuyến thăm Ukraine của ông Macron.

Cuộc họp của hai tổng thống vào tối 7/2 được đánh giá là "bất thường" cả về thời lượng và hình thức, khi không có bất cứ phụ tá nào trong phòng. Họ cũng tổ chức một cuộc họp báo chung vào khoảng nửa đêm theo giờ Moscow.

Ông Macron cho biết Pháp đã phối hợp chặt chẽ với các đồng minh phương Tây, bao gồm Mỹ và Đức. Tuy nhiên, một số người ủng hộ đường lối thân phương Tây của Ukraine chỉ trích ông quá để tâm đến các yêu cầu của thống Putin.

Trước cuộc gặp với ông Putin, thay vì xoa dịu những lo ngại đó, tổng thống Pháp cho biết chính sách "Phần Lan hóa" đang là "một trong những mô hình được đặt trên bàn nghị sự".

Thuật ngữ "Phần Lan hóa" ám chỉ cách Phần Lan, dù đối mặt với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vẫn có thể duy trì độc lập trước nước láng giềng hùng mạnh và tồn tại như một nền dân chủ với điều kiện trung lập nghiêm ngặt.

Việc "Phần Lan hóa" Ukraine ngụ ý rằng Ukraine sẽ thực hiện chính sách không bao giờ gia nhập NATO và Nga có thể có ảnh hưởng đáng kể đối với các quyết định chính trị của nước này.

Ông Macron đã không đề cập đến mô hình này trong cuộc họp báo sau cuộc gặp 7/2, nhưng ông nhấn mạnh niềm tin rằng những lo ngại của Nga có thể được giải quyết mà không ảnh hưởng đến các nguyên tắc cốt lõi của phương Tây.

"Nga là một nước châu Âu. Bất cứ ai tin tưởng vào châu Âu phải biết cách làm việc với Nga và tìm ra những cách thức để xây dựng tương lai châu Âu giữa những người châu Âu", ông Macron nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.

Ông Macron cho biết cả phương Tây và Nga cần vượt qua những tổn thương trong quá khứ và xây dựng "các giải pháp hữu ích". Tổng thống Pháp nhấn mạnh "ưu tiên hàng đầu" của chuyến thăm là đảm bảo ổn định quân sự và ngăn chặn chiến tranh "trong ngắn hạn". Các cuộc thảo luận sau đó có thể tiếp tục xây dựng "các giải pháp trung hạn".

"Liệu NATO có thể giải quyết toàn bộ câu hỏi về an ninh tập thể của chúng ta không?", ông Macron nói. "Tôi không tin như vậy".

Tổng thống Pháp đã đưa ra một số chi tiết về ý tưởng của mình trong cuộc gặp và cho biết điều này liên quan đến việc cân nhắc lại các thỏa thuận an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh vì "không có an ninh cho người châu Âu nếu không có an ninh cho Nga".

Ông Putin ám chỉ rằng các đề xuất đã nằm trên bàn làm việc nhưng hai nhà lãnh đạo không công khai.

Trong khi các quan chức đang sốt sắng phác thảo những con đường ngoại giao khả thi, Mỹ và Ukraine cho biết Nga đã điều động lực lượng quân sự lớn với khoảng 130.000 binh sĩ cùng vũ khí, các đơn vị chuyên trách hỗ trợ hoạt động tác chiến, đến gần biên giới phía đông, phía bắc và phía nam của Ukraine.

Các quan chức chính quyền Biden trong nhiều tháng đã cảnh báo rằng ông Putin dường như đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược, mặc dù ý định của ông không rõ ràng và bản thân ông có thể chưa biết mình sẽ làm gì.

"Tôi không chắc rằng ông ấy biết mình sẽ làm gì," ông Biden nói về nhà lãnh đạo Nga trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 7/2 cùng với Thủ tướng Đức Scholz.

Và trái ngược với động thái mềm dẻo của ông Macron, Tổng thống Mỹ nói thêm: "Tôi đã thẳng thắn gửi thông điệp tới Tổng thống Putin cả qua điện thoại và gặp mặt trực tiếp rằng chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất từng được áp dụng (nếu xảy ra cuộc xâm lược)".

 

Tác giả: Minh An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan