Triển lãm "Trạm chạm" - nơi nghệ sĩ tự kỷ cất tiếng nói
Triển lãm "Trạm chạm" là không gian đặc biệt giới thiệu các tác phẩm tranh cùng sắp đặt của 10 nghệ sĩ tự kỷ và khuyết tật đến từ Việt Nam và Nhật Bản tới công chúng. Triển lãm diễn ra đến ngày 7/4 tại Union Hall, Tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội).
"Trạm chạm" mang ý nghĩa đến trạm để chạm tới những rung động, đến ngôn ngữ nghệ thuật đa giác quan hay khám phá thế giới quan độc đáo, lắng nghe những câu chuyện về những niềm vui, không gian an toàn, đời sống bình dị đầy cảm hứng của các tác giả tự kỷ và khuyết tật. Sự kiện đưa tới những tác phẩm tranh vẽ và nghệ thuật sắp đặt của 10 nghệ sĩ đặc biệt đến từ Tòhe và Able Art Nhật Bản.
Không gian triển lãm "Trạm chạm" |
Giống như những hạt giống, nếu đủ nắng, gió và dinh dưỡng, hạt giống sẽ nảy mầm, ra lá, cho hoa trái và cho những gì tinh túy nhất của mình, mỗi người khi sinh ra, dù ở bất kỳ thể trạng nào, đều là những tiềm năng khao khát được đóng góp giá trị của mình. Nếu được đặt vào một môi trường với sự vun đắp, bồi dưỡng cùng những tin yêu, bất cứ ai cũng có thể phát triển và cống hiến cho cuộc đời.
Doanh nghiệp xã hội Tòhe, Able Art Nhật Bản tin tưởng vào triết lý đấy, họ đang nỗ lực mở các lớp đào tạo chuyên sâu để thúc đẩy tài năng của trẻ đặc biệt có tiềm năng phát triển, trở thành các tác giả độc lập, nghệ sĩ sáng tạo trong tương lai.
Với mục đích biến nghệ thuật thành nơi "cất tiếng nói", Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cùng Tòhe, Able Art và Crossfield Nhật Bản đồng hành tổ chức sự kiện ý nghĩa Trạm Chạm để giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật và quan tâm đến hoạt động cộng đồng.
Bên cạnh các tác phẩm đa sắc màu, đa thể loại, triển lãm còn chạm đến trái tim khán giả bằng câu chuyện đời của các nghệ sĩ. Từ những khó khăn, vấp váp những ngày đầu tiếp xúc với giấy mực đến những tác phẩm chứa đựng ngôn từ đầy cảm xúc được lột tả qua từng nét vẽ là cả một quá trình trường kỳ mà các tác giả phải vượt qua bằng sự nhẫn nại, siêng năng và nỗ lực không ngừng.
Đoàn trẻ em khiếm thính đến tham quan, trải nghiệm tại triển lãm |
Triển lãm còn tổ chức đón tiếp các đoàn trẻ em khiếm thính và phụ huynh tham quan. Nhân viên triển lãm giới thiệu đến các bạn nhỏ những câu chuyện truyền cảm hứng tích cực qua tranh vẽ rằng, "các nghệ sĩ ấy cũng như các em, dù khó tiếp xúc với xã hội hay dù không thể nghe nói như mọi người nhưng họ vẫn có thể biểu đạt ngôn từ và cảm xúc của mình thành công nhờ nghệ thuật".
Chị Ngọc Anh, 27 tuổi (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Dù mình không hiểu các ngôn ngữ ký hiệu của cô giáo nhưng hình ảnh các em nhỏ tươi cười tranh nhau phát biểu về những bức tranh đã chạm đến trái tim mình. Về những tác phẩm, thoạt nhìn thấy mang đậm sắc thái trừu tượng, nhưng điều mình cảm nhận rõ ràng nhất chính là sự lạc quan và mong muốn cống hiến cho nghệ thuật của các tác giả".
Triển lãm thu hút đông đảo công chúng |
"Trạm chạm" thu hút khán giả nhiều lứa tuổi, đạt được hiệu quả tích cực với lượng khách tham quan đông đảo và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Vì vậy, ban tổ chức quyết định kéo dài thời gian mở cửa đến ngày 7/4 (thay vì ngày 3/4 như ban đầu). Khán giả lứa tuổi học sinh, sinh viên là lực lượng đông đảo nhất tham gia sự kiện này. Đồng thời, các bạn trẻ còn góp phần truyền thông về sự kiện trên mạng xã hội.
"Mình đến triển lãm ban đầu vì tò mò nhưng mình thật sự bất ngờ sau khi xem những bức tranh của các nghệ sĩ. Các sản phẩm sử dụng nhiều màu sắc thể hiện nội tâm phong phú, giàu cảm xúc mà đôi khi lời nói khó có thể diễn tả được. Hi vọng trong tương lai, những sự kiện ý nghĩa này sẽ được quan tâm tổ chức để tạo nên sân chơi tài năng cho các nghệ sĩ đặc biệt", bạn Nguyễn Thu Hằng, 21 tuổi (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) bộc bạch.