A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyển sinh 2024: Học sinh chuộng ngành hot, thầy cô lưu ý rủi ro

Nhiều sĩ tử và phụ huynh vẫn ưu tiên lựa chọn ngành hot, trường hot với mong muốn đầu ra sẽ được đảm bảo. Điều này không sai, tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi đặt nguyện vọng đăng ký.

Tuyển sinh 2024: Học sinh chuộng ngành hot, thầy cô lưu ý rủi ro

Ngành hot thường đi kèm với tính cạnh tranh cao và điểm chuẩn cao (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

Ngành hot thường có điểm chuẩn cao chót vót

Trong giai đoạn nước rút, bên cạnh thời gian học các môn thi tốt nghiệp THPT 2024, bạn Nguyễn Mạnh Hùng (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Sư phạm) đã rục rịch tìm hiểu thông tin về các ngành, các trường mình sẽ đăng ký nguyện vọng. Mạnh Hùng cho biết, bản thân đang tìm hiểu các ngành liên quan đến công nghệ thông tin - khoa học máy tính.

Với ngành học này, nam sinh lớp 12 dự định sẽ đăng ký vào Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và xa hơn là muốn đi du học.

Không chỉ Mạnh Hùng, bạn Lê Thúy Hường (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Sư phạm) cũng dự định sẽ đăng ký các ngành học liên quan đến báo chí và truyền thông - một trong những ngành điểm chuẩn top đầu trong những năm gần đây.

Lựa chọn đăng ký ngành hot nhưng Thúy Hường vẫn đăng ký thêm các ngành khác để đảm bảo cơ hội vào đại học. "Vì là ngành hot nên sẽ nhiều người học, tính cạnh tranh cao nên chắc em sẽ phải cố gắng rất nhiều nếu muốn có một công việc tốt trong tương lai" - Thúy Hường băn khoăn.

Cần tính toán kỹ lưỡng

Việc được đăng ký nguyện vọng không giới hạn là một trong những lý do khiến học sinh đổ xô ngành hot ngày càng nhiều.

Theo các thầy cô tư vấn tuyển sinh, xu hướng này không sai nhưng vẫn cần có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh hiểu nhầm cứ học ngành hot là dễ kiếm việc làm.

TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng - cho hay, việc thí sinh có xu hướng phấn đấu vào các ngành hot của trường hot là một điều dễ hiểu và đó cũng là quy luật thị trường. Tuy nhiên, việc nhận diện ngành nào là ngành hot của một số bạn thí sinh cũng chưa thực sự chuẩn xác.

Hiện tại có rất nhiều ngành học đang khát nhân lực chất lượng cao trong tương lai, nhưng chưa nhận được sự quan tâm nhiều của thí sinh và phụ huynh. Và cũng sẽ có nhiều ngành hot tại thời điểm hiện tại, nhưng sau 4-5 năm nữa, khi sinh viên tốt nghiệp có thể sẽ trở nên bão hòa và giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Do đó, thí sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về xu hướng thị trường lao động, nhu cầu ngành nghề với tầm nhìn trong 4-5 năm tới để đưa ra quyết định về việc chọn ngành học.

"Mỗi thí sinh sẽ có những đặc điểm riêng về năng lực chuyên môn, về tính cách, kỹ năng… và có thể phù hợp với một số ngành nghề nhất định nhưng cũng bất lợi ở một số ngành nghề khác. Ví dụ, một bạn có thể có năng lực tư duy tốt, nhưng bất lợi trong giao tiếp, làm việc nhóm… sẽ gặp khó khăn hơn khi học các ngành thiên về các kỹ năng này, như: Truyền thông, Marketing… Thí sinh nên lựa chọn ngành học mình ưa thích thay vì những ngành hot mà bản thân không thấy phù hợp, điều đó sẽ giúp gia tăng động lực học tập, rèn luyện và tích lũy các chuẩn đầu ra đảm bảo các yêu cầu của công việc yêu thích sau này" - TS Trần Mạnh Hà phân tích.

Cũng dành lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cho hay, điều quan trọng nhất khi chọn ngành nghề là sở thích và đam mê. Bởi không yêu thích sẽ rất khó để có hứng thú theo học hết chương trình, càng khó gắn bó với nghề nghiệp sau khi ra trường. Tiếp theo, thí sinh cần cân nhắc ngành nghề đó có “hot" trong những năm tới không, dự báo nhu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực sau 5 năm ra sao.

“Các em cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo xem cung cấp những kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao, kỹ năng đạt được sau 4-5 năm học. Từ đó, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề” - PGS.TS Trần Quang Anh lưu ý.

Thí sinh đăng ký nhiều phương thức xét tuyển nhằm tăng cơ hội trúng tuyển

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều sĩ tử lựa chọn đăng ký nhiều phương thức xét tuyển để mở rộng cánh cửa vào đại học.

Vừa đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, vừa xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, em Nguyễn Tuấn Minh - học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) đang ngợp trong kiến thức ôn thi.

Nam sinh phải sắp xếp thời gian cho việc ôn thi tốt nghiệp và luyện thi cho các kỳ thi riêng.

“Nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển. Do vậy, muốn nâng cao khả năng trúng tuyển vào trường đại học yêu thích, việc dự thi các kỳ thi này là điều em và các bạn không thể bỏ qua” - Tuấn Minh nói.

Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - khuyên thí sinh cần chọn lọc phương thức phù hợp nhất và có nhiều cơ hội nhất để tập trung ôn tập, tránh ôm đồm quá nhiều phương thức xét tuyển, gây lãng phí, mất thời gian và tạo thêm nhiều áp lực khi các em phải chạy đua theo các loại chứng chỉ ngoại ngữ, kỳ thi riêng...

Theo TS Nhiên, để tránh tình trạng bị rối khi tiếp cận cùng lúc nhiều phương thức khác nhau, thí sinh cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để lượng sức xem phù hợp với phương thức nào nhất. Từ đó, có sự lựa chọn chính xác để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành học mà mình yêu thích.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu rõ vị trí việc làm, năng lực bản thân trước khi chọn ngành đăng ký” - TS Nhiên đưa ra lời khuyên. Thanh Hằng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan