Vì sao hàng giả dễ tung hoành trên TikTok Shop
TikTok cho biết mình có các nguyên tắc nghiêm ngặt và một nhóm giám sát hàng giả. Nhưng thực tế, các sản phẩm làm nhái, kém chất lượng vẫn được bày bán trên nền tảng này.
Trong ngày 24 và 26/12, trang Facebook chính thức của hai thương hiệu mỹ phẩm Estee Lauder Vietnam và MAC Cosmetics lần lượt đăng bài cảnh báo khách hàng về việc sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc tràn lan trên TikTok Shop.
"Nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo khách hàng và bán hàng giả, thậm chí bán hàng qua những KOL hàng triệu follow trên nền tảng TikTok. Hãy tỉnh táo và cảnh giác trước những chương trình khuyến mại rẻ bất ngờ (>70%), những lời mời chào 'hàng công ty', 'hàng cửa hàng miễn thuế' để không gây hại cho chính làn da và sức khỏe của mình", hãng mỹ phẩm đưa ra cảnh báo.
Cả hai trang này đều sử dụng hình ảnh được cho là của Trương Nhã Dinh, một TikToker có 2,6 triệu người theo dõi. Trước đó, Trương Nhã Dinh bị tố bán mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc trên kênh TikTok Shop.
TikTok Shop bắt đầu được ra mắt ở thị trường Đông Nam Á và bên ngoài châu Á từ năm 2021. Kênh thương mại điện tử này xuất hiện lần đầu tại Việt Nam từ hồi cuối tháng 4 năm nay.
Ban đầu, tính năng được giới thiệu "là nỗ lực mang lại phong cách mua sắm trực tuyến đến với hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới". Các thương hiệu và người có ảnh hưởng phát trực tiếp trên ứng dụng truyền thông xã hội, bán sản phẩm thông qua giỏ màu cam có thể nhấp vào trên màn hình.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều khách hàng phản ánh mua phải hàng kém chất lượng, bức xúc về chính sách thanh toán, vận chuyển, đổi trả hàng. Trong khi đó, những người được gọi là "nhóm sáng tạo nội dung" nói với Financial Times rằng họ đã từ bỏ công việc, phàn nàn thu nhập bị cắt giảm, các vấn đề về vận chuyển, hàng tồn kho, chống hàng giả hạn chế đã dẫn đến những bình luận lăng mạ trực tuyến nhằm vào mình.
Không thể giảm giá mọi thứ
Carolina Are, một trong những người có ảnh hưởng đã ngừng bán hàng qua TikTok Shop, cho biết: "Chúng tôi được hứa hẹn mọi thứ với tư cách là những người sáng tạo và sau đó lại được thông báo rằng sẽ không thể nhận được nhiều như vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy TikTok ít quan tâm như thế nào".
Những rắc rối đang nảy sinh là một đòn giáng khác vào các chiến lược của TikTok Shop. Trên kênh thương mại điện tử này, các sản phẩm được bán trực tiếp từ các nhà sản xuất và thương hiệu được khuyến khích giảm giá mạnh.
Tham vọng của công ty là thực hiện mô hình dropship, trong đó thay vì TikTok giữ hàng tồn kho, các sản phẩm được mua từ các nhà cung cấp bên thứ ba khi có đơn đặt hàng và vận chuyển trực tiếp đến khách hàng, tránh chi phí kho bãi.
Nhiều mặt hàng được giới thiệu là hàng chính hãng được bán với giá chỉ bằng 1/3, 1/4 giá niêm yết trên TikTok Shop. Ảnh minh họa: Giulia Marchi/Bloomberg.
Elisha Kramer tại Connect Management, một công ty đại diện cho những người sáng tạo TikTok, cho biết: "TikTok đã nhận ra rằng không có nhiều tiền cho mình, vì vậy họ đã cắt giảm chi phí, dẫn đến việc một số người không muốn tiếp tục. Việc này tốn nhiều thời gian, có thể gây mệt mỏi và khi có vấn đề xảy ra, những người sáng tạo phải tự chịu hậu quả".
TikTok cũng thường trợ cấp chi phí giảm giá cho các công ty. Tuy nhiên, việc giảm giá mạnh tay đã dẫn đến xung đột giữa các thương hiệu muốn tiếp cận lượng người dùng trẻ tuổi khổng lồ của TikTok, nhưng không muốn định giá thấp sản phẩm của mình.
Một nhân viên của TikTok Shop tại Anh nói với Financial Times: "Nếu không dưới 20 bảng Anh (24 USD) thì quá đắt, tôi phải liên tục yêu cầu các thương hiệu giảm giá thêm".
Những người sáng tạo, cũng như nhân viên hiện tại và trước đây của TikTok, cũng cho biết họ không hài lòng với bản chất "thời trang nhanh" của TikTok Shop.
"Quần áo kém chất lượng và rẻ, khoảng 1 bảng Anh (1,2 USD) cho một chiếc áo phông và 7 bảng Anh (8,5 USD) cho một chiếc áo khoác", một người từng livestream bán hàng trên TikTok Shop, cho biết. "Họ bán quá rẻ, tôi không biết lợi nhuận thu được là bao nhiêu. Nhưng bạn đâu thể giảm giá mọi thứ".
Hàng giả ở mọi nơi
Theo các nhân viên và dựa vào những clip mà Financial Times đã xem xét, túi xách và quần áo giả đã được bán trên các buổi phát trực tiếp.
"Nhiều thương hiệu thậm chí nói rằng họ không muốn có mặt trên TikTok Shop vì sản phẩm quá rẻ và giả", một cựu nhân viên cho biết.
TikTok khẳng định mình có các nguyên tắc nghiêm ngặt và một nhóm giám sát hàng giả.
Người phát ngôn của nền tảng nói với BuzzFeed News rằng "các bản sao giả mạo hoặc trái phép của một sản phẩm chính hãng đều bị cấm trên TikTok Shop".
"Chúng tôi làm rõ điều này trong các chính sách của mình, mà tất cả người bán phải tuân thủ", người phát ngôn cho biết.
Bất chấp các chính sách nghiêm cấm của TikTok Shop, hàng giả vẫn tràn lan trên nền tảng. Ảnh minh họa: montage/Dreamstime.
Tuy nhiên, sản phẩm giả vẫn tràn lan trên nền tảng. Vào giữa năm ngoái, Gucci đã vượt Rolex để dẫn đầu một danh sách không hề mong muốn là "thương hiệu xa xỉ bị làm giả nhiều nhất trên TikTok", theo một nghiên cứu về 40 thương hiệu nổi tiếng trên ứng dụng.
Phát hiện này một lần nữa làm làm nổi bật sự phổ biến của hàng giả trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Nghiên cứu được Money.co.uk công bố vào tháng 6/2021 đã xác định hãng thời trang xa xỉ Gucci là "thương hiệu xa xỉ bị làm giả nhiều nhất trên TikTok" với hơn 13,6 triệu lượt xem các clip có hashtag #fakegucci, #guccifake và #fauxgucci. Nhà sản xuất đồng hồ Rolex đứng ở vị trí thứ hai với 11,7 triệu lượt xem, tiếp theo là Louis Vuitton với 2 triệu và Dior với 280.000 lượt xem.
Các giám đốc điều hành của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, coi TikTok Shop là "tương lai của mua sắm", nhưng dường như đang tỏ ra bất lực với sự tràn lan của hàng giả, hàng kém chất lượng trên nền tảng.
Khi nền tảng chỉ tập trung hạ giá thành sản phẩm, cắt giảm chi phí vận hành, các cửa hàng trên TikTok Shop gần như nằm trong tay nhóm bán hàng, những người có ảnh hưởng. Trách nhiệm bị đùn đẩy và người tiêu dùng sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những trò gian lận và lừa đảo.