A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ Chùa Cầu: Không thể đưa di tích về nguyên dạng 100%

TS.KTS Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty R&D Consultants - chia sẻ với Lao Động về tranh cãi xoay quanh dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An).

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An) đã hoàn thành sau hơn 1,5 năm trùng tu và dự kiến mở cửa đón khách từ ngày 3.8. Theo đó, việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Tuy nhiên, diện mạo mới của Chùa Cầu đang gây tranh cãi trong dư luận.

Thưa TS.KTS Hoàng Hữu Phê, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự án và đâu là yếu tố quan trọng khi tu bổ di tích Chùa Cầu?

- Công nghệ ngày càng tiến bộ khiến công tác tu bổ được lên kế hoạch ngày càng chỉn chu.

Với một công trình có yếu tố di sản cần bảo vệ, phát huy, có 3 mức độ xử lý, tùy theo độ quan trọng của tình huống đô thị. Mức độ thứ nhất là bảo tồn lịch sử, tức là giữ nguyên, càng gần bản gốc càng tốt, không nên thay đổi bất cứ điều gì.

Mức độ thứ hai là tôn tạo, tức là dựa trên những tính chất vốn có để thay đổi cho phù hợp với điều kiện hiện đại mà vẫn giữ được hồn cốt của công trình.

Mức độ thứ ba là làm mới hoàn toàn.

Hội An là đô thị giữ vai trò quan trọng về mặt du lịch. Khi tôn tạo, chắc chắn Ban quản lý di sản đã có một danh sách rất chặt chẽ, rõ ràng, đối với công trình nào thì xử lý theo mức độ nào. Có những cái mình phải giữ nguyên như đồ vật trong bảo tàng, nếu thay đổi chút ít thì sẽ không còn giá trị nữa.

Nhưng đây là cảnh quan, dân gian Việt Nam từng có câu ca dao: “Đôi ta như tượng mới tô/Như chuông mới đúc như chùa mới xây", ngụ ý nước ta là nước nhiệt đới, những điều kiện tự nhiên có thể phá hủy các vật liệu. Và người xưa quan niệm phải có sự trùng tu, đổi mới.

TS.KTS Hoàng Hữu Phê. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS.KTS Hoàng Hữu Phê. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người ta nói để đó vài bữa là nó lại cổ, lại rêu phong, theo tôi, nói như thế cũng được. Tuy nhiên, cũng có thể làm mới lại hoàn toàn nhưng màu sắc, hình dáng… không quá tương phản với cái cũ. Tất cả phụ thuộc vào phân loại mức độ xử lý di tích của ban quản lý.

Tôi nghĩ khi họ xây dựng danh sách các công trình cần trùng tu đã có đánh giá của chuyên môn, có sự bàn bạc kỹ lưỡng và đồng thuận từ các bên.

Đương nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể gây ra ngạc nhiên với người này, khó chịu với người kia. Nhưng phần lớn đều cảm thấy đây là việc cần và làm rất tế nhị, bài bản.

Có ý kiến của du khách cho rằng, Chùa Cầu sau khi trùng tu có phần xa lạ so với trước đây, bởi nước sơn mới, đậm màu, nổi bật, khiến họ cảm giác không còn vẻ cổ kính của một di tích hơn 400 năm tuổi. Quan điểm của ông về điều này?

- Tôi nghĩ đây là vấn đề thời gian. Nếu Chùa Cầu không được trùng tu thì có thể không tồn tại nữa.

Có những vật thể thiêng liêng phải giữ nguyên dạng, không giữ nguyên thì không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng Chùa Cầu chỉ là một bộ phận của khung cảnh. Sau thời gian dãi dầu sương gió mấy năm, chùa sẽ lại trở về cũ kỹ.

Đương nhiên có thể chế tạo những màu sơn cổ, giả cổ. Nhưng tôi nghĩ đơn vị phụ trách trùng tu có một ngân sách đủ để thực hiện dự án này, và nhiều phương tiện, kiến thức… họ đã cân nhắc rồi mới thực hiện tu sửa như hiện tại.

Hiện giờ phải cân nhắc giữa hai bên: một bên là để cho quen mắt và một bên là để cho Chùa Cầu tồn tại được. Cái gì cũng cần đánh đổi, ai cũng biết không thể đưa di tích về nguyên dạng 100% được.

Ảnh: Văn Trực

Hình ảnh Chùa Cầu (Hội An) gây tranh cãi sau khi được tu bổ. Ảnh: Như Nguyệt

Vậy hiện tại, có nên sơn thêm màu sơn để khiến chùa cũ đi không, thưa ông? Như Nhà hát Lớn cũng phải sơn lại để trông cũ hơn, cổ kính hơn?

- Nếu muốn chữa cho Chùa Cầu cũ đi thì không phải quá khó, có nhiều cách làm. Nhưng theo tôi, chỉ vài ba năm sau, Chùa Cầu sẽ tự cũ đi như trước. Vấn đề vật thể quan trọng, nhưng giá trị phi vật thể, tức là ý nghĩa của di tích, không thay đổi quá nhiều là được. Có thể hơi kỳ khôi khi chùa cổ mà nhìn lại mới quá, nhưng thời gian qua đi, chùa cũng sẽ lại cũ đi nhanh chóng.

Điều nên quan tâm hơn là họ làm có đúng như cấu trúc ban đầu không, tương phản màu sắc như thế nào.

Họ có thể sơn cho cũ đi nhưng không buộc phải thế. Ta không thể mô phỏng hoàn toàn một thứ gì được, nếu không sẽ đi vào ngõ cụt. Ta phải đánh đổi thứ khác để giữ được cân bằng.

Thực tế, việc tu bổ di tích dạng này xưa nay vẫn luôn gây tranh cãi, người làm thì cho rằng mua được nguyên vật liệu để tu bổ theo đúng mẫu cũ là rất khó, nhưng dư luận thì cho rằng, ko thể làm quá mới, quá vênh so với công trình cũ. Theo ông, cốt lõi để đánh giá công trình tu bổ thành công là gì?

- Trước hết phải phù hợp với môi trường xung quanh. Nếu tu bổ thì cấu trúc phải thật đúng, phải gần với chất liệu nguyên thủy của di tích. Có thể dùng công nghệ hiện đại để giữ nguyên vẹn nhưng không được biến đổi di tích trở nên khác biệt, méo mó so với ban đầu.

Để luôn giữ di tích ở trạng thái màu sắc như cũ thì rất khó, phải có lúc mới lúc cũ. Với Chùa Cầu, theo tôi, trùng tu mà một thời gian màu sắc về gần giống với trước đây thì đã xem là thành công.

Làm sao để đảm bảo các yếu tố lịch sử, văn hóa, quy trình tu bổ di tích, di sản mà hạn chế được các tranh cãi, thưa ông?

- Tôi nghĩ việc tranh cãi là không thể tránh khỏi. Ngày xưa, tháp Eiffel xây lên bị phản đối, họ bảo phải dẹp đi vì làm xấu cảnh quan thành phố Paris. Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi.

Trong xã hội bình thường, có lẽ không có gì là tuyệt đối không gây tranh cãi. Mỗi người có suy nghĩ, thị hiếu khác nhau và nên tôn trọng ý kiến của họ.

Do đó, công trình tu bổ, và nói rộng ra là các công trình phục vụ cộng đồng, có làm xuất hiện một số tranh cãi là chuyện bình thường.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan