Xung đột về nuôi thú cưng, chung cư cấp mã định danh cho chó mèo
Mã định danh chó cưng với nhiều quy định giám sát, chế tài, thậm chí can thiệp vào quyền lợi dịch vụ căn hộ đối với chủ nuôi lần đầu được thỏa thuận tại chung cư Masteri Thảo Điền.
"Dùng lavabo phòng vệ sinh chung để tắm chó, chủ thú cưng để vật phóng uế bừa bãi trong khuôn viên... từng là những phản ánh gây nhiều tranh cãi tại chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) trong suốt nhiều năm liền", cư dân Nguyễn Lan Hương (37 tuổi) cho biết.
Tuy nhiên, chị Hương xác nhận đó là câu chuyện xảy ra nhiều tháng về trước. Tình trạng chó không rọ mõm chạy rông, cư dân sử dụng tiện ích chung phục vụ thú cưng không còn tái diễn kể từ khi vật nuôi ở đây được quản lý bằng mã định danh.
Đã có nhiều xung đột
Là cư dân sống tại Masteri Thảo Điền, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (30 tuổi) từng rất khó chịu và lo ngại khi bắt gặp tình trạng chó được chủ dắt đi lòng vòng nhưng không đeo rọ mõm trong nội khu, đặc biệt là nơi có nhiều trẻ em, người cao tuổi.
Trong số chó cưng được đề cập, có không ít giống chó lớn như husky hay chó đốm... Người phụ nữ này nhiều lần trao đổi với bảo vệ về sự việc, thế nhưng bảo vệ cũng chỉ có quyền nhắc nhở chủ nuôi chứ cũng không có biện pháp nào khác.
"Bản thân tôi không ác cảm với việc nuôi thú cưng của cư dân khác. Tuy nhiên để hài hòa lợi ích giữa một tập thể lớn như vậy, người nuôi thú cưng phải chấp nhận chuyện phạt cảnh cáo, chế tài thậm chí mất quyền lợi nào đó nếu làm ảnh hưởng đến tập thể", chị Ngọc Anh bày tỏ.
Chó cưng được thả phóng uế dọc khuôn viên chung cư Masteri được cư dân ghi lại phản ánh. Ảnh: NVCC.
Cách đây hơn nửa năm (kể từ tháng 9/2022), người phụ nữ khẳng định xung đột quan điểm và ứng xử giữa người nuôi thú cưng và nhóm cư dân không nuôi đã được giải quyết. Hội nghị nhà chung cư thống nhất quản lý thú nuôi bằng mã định danh cùng nhiều chế tài, quy định xử phạt.
Là người nuôi 2 chó cưng, một cư dân (đề nghị ẩn tên) cho hay anh cũng từng bức xúc khi thấy các chủ nuôi khác để chó phóng uế ở khuôn viên chung cư, hay đưa chó đi dạo mà không đeo rọ mõm.
Chủ nuôi này thừa nhận chung cư thường xuyên xảy ra xung đột là do thiết kế ban đầu của chủ đầu tư không có khu vực riêng biệt dành cho thú cưng.
"Năm ngoái, khi tôi muốn dắt chó đi dạo phải lựa sáng sớm hoặc đêm muộn vì sợ lúc đông người sẽ ảnh hưởng người khác. Còn hiện tại đã có không gian riêng cho thú cưng, chủ nuôi có thể linh động thời gian hơn", cư dân này bày tỏ.
Mặt khác, sau khi ban quản trị chung cư sử dụng một phần đất trống thiết kế thành một không gian để chó có thể đi dạo, đi vệ sinh, vui chơi, cộng đồng "hội yêu chó" tại chung cư được tạo điều kiện chăm sóc thú cưng dễ dàng hơn, các cư dân khác không nuôi thú cưng cũng ít bị làm phiền.
Không thể trông chờ vào ý thức
Trao đổi với Zing, đại diện Ban quản trị chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) cho biết hội nghị nhà chung cư thống nhất quy định mỗi hộ chỉ được nuôi tối đa 5 con mèo và 2 con chó. Như vậy, với hơn 3.800 căn hộ tại Masteri Thảo Điền, hiện có khoảng 200 con chó và 50 con mèo được quản lý bằng mã định danh.
"Nuôi thú cưng là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại chung cư. Không thể trông chờ vào ý thức người dân, chúng tôi đặt ra những quy trình để giám sát và có chế tài với những ai vi phạm", người này nói.
Đại diện Ban quản trị chung cư Masteri Thảo Điền cũng cho biết để quản lý quy cũ như hiện nay, cư dân chung cư không ít lần "bùng nổ" tranh cãi giữa bên ủng hộ và phản đối. Thậm chí một số cư dân đã chuyển sang nơi ở mới vì không đồng tình ý kiến số đông.
Mã định danh thú cưng được quản lý theo số thứ tự. Ảnh: Q.M.
Song, sau hơn 5 tháng thực hiện, vấn đề nuôi thú cưng tại chung cư này đã được quản lý, giám sát giúp câu chuyện xung đột giữa chủ nuôi và cư dân được giải tỏa.
Để được nuôi thú cưng, các cư dân phải nộp sổ theo dõi sức khỏe, thông tin tiêm phòng định kỳ. Sau khi kiểm tra đủ điều kiện, chó hoặc mèo sẽ được cấp một mã định danh. Chủ vật nuôi có trách nhiệm đeo thẻ định danh (đã đăng ký) cho thú và nếu không có thì không được vào chung cư.
Bên cạnh đó, chủ nuôi phải ký cam kết đeo rọ mõm, đeo dây xích mỗi khi dắt thú nuôi ra ngoài khuôn viên. Chung cư cũng bố trí một khu vực dành riêng cho chó mèo, những khu vực sinh hoạt cộng đồng có nhiều trẻ em đều sẽ cấm thú cưng.
Trường hợp cư dân vi phạm nội quy nuôi thú cưng lần đầu sẽ bị xử phạt hành chính, nhưng khi vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị yêu cầu di dời thú cưng ra khỏi căn hộ. Nếu chủ căn hộ không chấp hành sẽ bị ngưng cung cấp một số dịch vụ.
Bảng quy định thú nuôi phải đăng ký và có mã định danh mới được vào nội khu chung cư Masteri Thảo Điền. Ảnh: Anh Nhàn.
Tuy vậy, đại diện Ban quản trị chung cư Masteri Thảo Điền nhìn nhận các quy định mùi hôi và tiếng sủa của thú cưng vẫn là một vấn đề nan giải chưa thể đưa ra quy định cụ thể.
"Không thể quy định hay đo lường tiếng sủa, vì việc này khó phụ thuộc vào ý thức của cư dân. Nhưng khi có mã định danh, căn hộ nào có thú cưng sủa lớn, gây ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh sẽ được ban quản lý nhắc nhở", vị này nói.
Tại nhiều chung cư khác ở TP.HCM, cư dân cũng nảy sinh quan điểm xoay quanh việc nuôi và quản lý thú cưng như chó, mèo. Tranh cãi này càng căng thẳng khi một số chung cư chưa thành lập ban quản trị, chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư nên không thể lấy ý kiến của số đông cư dân theo đúng quy định.