A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống bản đồ cảnh báo sạt lở đất

Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa bão, lũ, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và tang thương nhất chính là thiệt hại về người trong các vụ sạt, lở đất. Liên quan đến vấn đề này, ông Yasuhiro Taraka, Chuyên gia JICA, Cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản đã chia sẻ về các biện pháp Nhật Bản đang sử dụng để ứng phó với sạt lở đất.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về việc chịu ảnh hưởng và kinh nghiệm ứng phó với thiên tai. Theo ông Yasuhiro Taraka, Chuyên gia JICA, Cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản, hiện nay Nhật Bản đang sử dụng 3 yếu tố để ứng phó với sạt lở đất. Cụ thể, đó là dữ liệu lịch sử ở khu vực; mạng lưới quan trắc lượng mưa tại một khu vực (tính được độ bão hòa trong đất). Sau đó kết hợp với phân tích địa chất, địa hình để đưa ra cảnh báo, từ đó có phương án di dời dân ngay lập tức.

Ông Taraka cho biết, Nhật Bản có độ dốc lớn, 70% diện tích trên độ cao nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất. “Do địa hình dốc dễ dẫn đến sạt lở đất và lũ quét xảy ra nhiều lần nên chúng tôi cố gắng ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra sạt lở”, ông Taraka nói.

Theo ông Taraka, vấn đề khó khăn là rất khó nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất. “Có nhiều yếu tố gây ra sạt lở đất, phụ thuộc vào sự phân bổ mưa tại thời điểm đó và đặc điểm địa chất của từng vùng. Đầu tiên, chúng tôi quan tâm tới vấn đề sử dụng đất, tìm hiểu xem lượng mưa tại các vùng như thế nào, sau đó chia thành các vùng, vùng đỏ - vàng - xanh, tương đương độ cảnh báo nguy cơ các vùng mưa nhiều, có nguy cơ sạt lở cao. Dựa trên đó, với những vùng an toàn, địa phương có thể cho người dân sống tại đó”, ông Taraka phân tích.

Cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống bản đồ cảnh báo sạt lở đất

Sau các trận mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất tại các vùng đồi núi là rất cao

Tại vùng nguy cơ cao, chính quyền địa phương sẽ có thông báo và kế hoạch di dời người dân khi có khả năng xảy ra sạt lở. Mỗi hộ gia đình cần biết rõ họ nằm ở vùng nào, vùng đỏ là nguy hiểm, vùng vàng là cận nguy hiểm.

Cùng với đó, Nhật Bản cũng là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, các trạm quan trắc lượng mưa được xây dựng nhiều để đo lượng mưa hằng giờ. Các trung tâm thủy văn có một hệ thống máy tính rất hiện đại để tính toán lượng mưa lũy tích và dựa trên đó ban hành các dự báo, cảnh báo. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000 m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển tới nơi an toàn.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa hiện tượng sạt lở đất. Dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ, Nhật Bản xây dựng các công trình (ví dụ như nổi tiếng nhất là đập Saboo để ngăn chặn bùn, đá), Nhật Bản cũng xây dựng một số cơ sở hạ tầng để ngăn chặn hiện tượng sạt lở. Ở Nhật cũng có các biện pháp tản lượng nước mưa đổ xuống dưới để ngăn nước mưa không tràn xuống các sông gây lũ...

Ông Taraka chia sẻ rằng: “Không chỉ một biện pháp để ngăn chặn sạt lở, nên chúng tôi kết hợp nhiều biện pháp. Trước tiên là Nhật Bản khoanh vùng rủi ro thiên tai. Khi phân vùng được vùng rủi ro, lũ quét Nhật Bản xây dựng hệ thống cảnh báo về lũ quét và hệ thống công trình ngăn chặn đất đá tại các khu vực đó. Sau khi hết mùa mưa, người ta sẽ nạo vét đất đá do sạt lở. Ngoài ra, tại các đỉnh núi ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, Nhật Bản đặt các sợi dây khi đất đá rơi từ đỉnh núi làm đứt các sợi dây, hệ thống loa tự động sẽ phát ra cảnh báo tới người dân sinh sống ở dưới chân núi....”.

Cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy hiểm

Không giống như bão hay các loại hình thiên tai khác, sạt lở đất là "kẻ thù" vô hình, khó nhận diện. Hiện nhiều nước trên thế giới vẫn xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Riêng tại Việt Nam, trong đợt thiên tai vừa qua ở miền Trung, sạt lở đất diễn biến hết sức phức tạp.

Chia sẻ về công tác cảnh báo, dự báo sạt lở đất, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai cho biết: Các quốc gia có địa hình, cấu trúc địa chất tương tự như Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có vùng địa lý núi cao, sườn dốc, mưa tập trung, nên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, muốn cảnh báo được sạt lở đất đòi hỏi phải làm công phu, bài bản.

“Cái gì chúng ta nhìn thấy được thì chúng ta dễ phòng tránh, còn ở dưới đất thì chúng ta không nhìn thấy được. Do đó phải dựa vào các nghiên cứu đánh giá về địa hình, địa chất để từ đó nghiên cứu ra bản đồ nguy cơ sạt lở. Trên bản đồ nguy cơ sạt lở có thể thấy cả một huyện, hoặc một số xã trong huyện đó có những đứt gãy, có cấu trúc địa chất mà khi có những yếu tố kích hoạt thì có thể xảy ra sạt lở đất. Việc cần làm tiếp theo là cần tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, địa mạo và cấu trúc địa chất một cách chi tiết, cụ thể”.

Cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống bản đồ cảnh báo sạt lở đất

Sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai, hiện trên thế giới đã phát triển công nghệ lắp các trạm cảnh báo. Tuy nhiên, Việt Nam không thể lắp các trạm cảnh báo phủ trùm toàn bộ khu vực miền núi mà chỉ có thể ở những khu vực có nguy cơ cao, các khu vực người dân sinh sống, nơi tập trung cơ sở hạ tầng.

Dựa trên bản đồ nguy cơ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chỉ đạo để làm sao tận dụng được tất cả thông tin đã có để cảnh báo được sát hơn. Hiện nay, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã làm bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện đơn vị này đã làm đến cấp huyện, cấp xã với tỷ lệ 1/50.000. Bản đồ này cảnh báo nguy cơ trên diện rộng dựa trên địa hình, địa chất.

Theo quan điểm của lãnh đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, giải pháp hữu hiệu nhất là lắp đặt hệ thống máy quan trắc đa thiên tai. Hệ thống này có thể đưa ra dự báo gần như sát với thực tế. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 10 máy. Do số điểm nguy cơ trượt lở rất nhiều nên việc lắp máy khắp nơi là không khả thi.

Trước mắt, ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan là trang bị cho mỗi làng, bản một cột đo mưa. Mưa đến một mức nhất định thì sơ tán dân. Phương pháp này vừa đỡ tốn kém và dễ triển khai. Ngoài ra, bản đồ phân vùng cảnh báo đã được chuyển đến các địa phương, cơ quan quản lý cần dựa trên bản đồ này để nhận biết khu vực nguy cơ sạt trượt cao, không bố trí định cư, định canh.

Mỗi địa phương cần lập vùng an toàn để khi có thiên tai thì dễ dàng sơ tán dân. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cần đặt mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn lên đầu, trồng rừng ở những nơi thường trượt lở đất đá.


Tác giả: THANH HOÀI
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật