A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đằng sau những thảm họa khí hậu tàn phá thế giới năm 2022

Từ sóng nhiệt kỷ lục đến siêu bão hoành hành, thế giới ngày càng đối mặt với nhiều thách thức khí hậu. Điều đó xuất phát từ cả con người và sự thay đổi của tự nhiên.

"Chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự nóng lên toàn cầu làm trầm trọng thêm tình trạng thời tiết xấu. Và các hiện tượng cực đoan về lượng mưa, nắng nóng, hạn hán sẽ tiếp tục ập đến thường xuyên hơn", Isla Simpson - nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm Động lực học và Khí hậu Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (Mỹ), nhận định với Zing khi nói về hàng loạt thảm họa thời tiết trong năm nay.

Tại Thái Bình Dương, người dân nhiều nước đang oằn mình trước sự hoành hành của siêu bão Noru.

Isla Simpson - nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm Động lực học và Khí hậu Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (Mỹ). Ảnh: CDG.

Sau khi đi qua Philippines, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và thiệt hại hàng chục triệu USD, bão Noru tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Các nhà chức trách trong nước cảnh báo đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua.

Tuy đã suy yếu đáng kể, siêu bão Noru được xếp vào danh sách những cơn bão có tốc độ gió tăng nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Trái Đất hiện đại.

Theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp của Mỹ (JTWC), khi ở ngoài khơi Thái Bình Dương, sức gió cực đại của Noru tăng từ 80 km/h (cấp 9) vào ngày 24/9, lên 249 km/h (cấp 19) chỉ trong 24 giờ sau đó.

Ở Tây bán cầu, cơn bão Ian đã xé toạc Cuba, để lại hàng loạt thiệt hại và tình trạng mất điện trên toàn quốc, trước khi tiến vào Tây Nam nước Mỹ, với tốc độ gió tối đa có thể lên đến trên 200 km/h, theo Washington Post.

Chỉ vài tuần trước, tại Nam Á, Pakistan cũng chứng kiến trận lũ tồi tệ nhất trong 30 năm, ảnh hưởng đến 33 triệu người và hơn 1.600 người thiệt mạng.

Nước lũ - do mưa lớn kỷ lục và sông băng tan kể từ tháng 6 - nhấn chìm 1/3 diện tích quốc gia và ước tính có thể mất 6 tháng để hoàn toàn rút hết.

Trước đó ít lâu, quốc gia này và một số nước Nam Á khác cũng hứng đợt sóng nhiệt kỷ lục. Nhiệt độ có khi lên đến 50 độ C trong nhiều ngày vào khoảng giữa tháng 5, theo New York Times.

Các chuyên gia cho biết khả năng xảy ra một đợt nắng nóng như vậy ở khu vực này đã tăng ít nhất 30 lần kể từ thế kỷ 19.

thoi tiet cuc doan anh 2

Người dân sơ tán trở lại làng sau những trận mưa và lũ lụt ở Sehwan, Pakistan, vào ngày 20/9. Ảnh: Reuters.

Cũng trong mùa hè, người dân châu Âu oằn mình trước đợt nóng chưa từng thấy. Theo báo cáo được công bố ngày 23/8 của Tổ chức Quan sát Hạn hán Toàn cầu (GDO), thuộc Ủy ban châu Âu, gần 2/3 diện tích EU ở trong tình trạng cảnh báo vì hạn hán.

Trong khi đó, chỉ trong 5 tuần vào tháng 7-8, Mỹ chứng kiến mưa lớn gây ngập lụt lịch sử ở Kentucky, Illinois, Texas và Missouri - những khu vực trước đó đều chịu khô hạn nghiêm trọng, theo AFP.

Trong đó, một số khu vực hứng lượng mưa lên đến 30 cm - hiện tượng mà các mô hình dự báo thời tiết đánh giá chỉ xảy ra một lần trong 1.000 năm.

Có thể thấy chỉ trong vài tháng qua, Trái Đất gần như không có thời gian để hồi sức khi hứng chịu hàng loạt thảm họa thiên tai mang tính kỷ lục với tần suất dày đặc, những hiện tượng rất lâu và rất khó xảy ra theo các mô hình nghiên cứu thời tiết.

Trao đổi với Zing, bà Simpson tin rằng ngoài tác động của nóng lên toàn cầu, xu hướng này còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác, và sẽ còn tiếp tục nếu con người không hành động mạnh mẽ hơn.

Vì sao hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên?

Đề cập đến nguyên nhân khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, bà Simpson cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu và sự biến đổi của tự nhiên nằm trong số những nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, tác động từ hiện tượng thời tiết La Niña cũng là điều không thể phủ nhận.

"Trái Đất dường như đang bước vào năm La Niña thứ 3 liên tiếp - (điều trước đây thường chỉ xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm/lần)", vị chuyên gia nói.

Sự hiểu biết về cách thức hoạt động của hiện tượng La Niña và El Niño là một công cụ có giá trị trong việc dự đoán các sự kiện thời tiết xảy ra trên thế giới. La Niña càng mạnh, càng có nhiều khả năng ảnh hưởng đến mô hình khí hậu và thời tiết trên phần lớn hành tinh, theo Hill.

Do đó, bà Simpson cho rằng hiện tượng này đang góp phần gây ra hàng hoạt tác động thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, từ hạn hán và nắng nóng kỷ lục ở Nam Á, Trung Quốc, Anh, Tây Nam nước Mỹ, đến lũ lụt lịch sử ở Pakistan, hay mới nhất là bão Ian và Noru đang hoành hành ở 2 nửa Trái Đất.

thoi tiet cuc doan anh 3

Hifjur Rehman - 40 tuổi, sống trong gia đình có 3 đời làm nông - ngã gục trước cánh đồng bị lũ lụt phá hủy ở bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: New York Times.

Dù không đổ lỗi hoàn toàn cho sự nóng lên toàn cầu, bà Simpson nhận định đây là yếu tố khiến các hiện tượng thời tiết xấu trở nên nghiêm trọng hơn.

"Sự biến đổi tự nhiên và thời tiết đóng một vai trò trong điều này. Tuy nhiên, sự nóng lên do phát thải khí nhà kính có tác động làm cho nhiều sự kiện cực đoan trở nên tồi tệ hơn", bà nói.

Chẳng hạn, nếu Trái Đất đang chịu một mô hình khí hoàn lưu gây hạn hán, việc hành tinh ấm hơn trước sẽ làm đợt hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn.

"Tương tự, bầu khí quyển giữ ẩm nhiều hơn - do Trái Đất nóng lên - đồng nghĩa các hiện tượng mưa cực đoan càng khắc nghiệt hơn. Các đợt sóng nhiệt vốn đã cực đoan cũng sẽ được tăng cường do chúng xảy ra trên nền nhiệt ấm hơn", vị chuyên gia cho biết.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã dự đoán hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện nay qua nhiều mô hình khí hậu. Bà Simpson cho rằng các mô hình khí hậu cũ đã dự đoán khá chính xác.

"Các yếu tố vật lý chi phối sự nóng lên do phát thải khí nhà kính không quá phức tạp. Tất nhiên chúng có những phạm vi không chắc chắn, nhưng sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu trong thực tế phù hợp với dự liệu của chúng tôi", bà cho biết.

Vị chuyên gia nói thêm rằng các mô hình khí hậu đã được cải thiện đáng kể trong vài thập kỷ qua, "với nhiều quy trình hơn lúc đầu".

"Dù các mô hình chưa hoàn hảo, chúng vẫn là một trong những công cụ tốt nhất để dự đoán sự thay đổi thời tiết cực đoan", bà Simpson nói.

"Chúng ta phải theo dõi những mô hình này. Nếu phát hiện các mô hình (có khiếm khuyết), chúng tôi sẽ tìm hiểu tại sao và làm thế nào để cải thiện. Song chúng vẫn là công cụ phù hợp nhất để dự báo khí hậu lâu dài", bà nhận định.

Tương lai bất ổn

Với việc sự nóng lên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các nước, đặc biệt là châu Âu hiện nay, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bà Simpson cho rằng Trái Đất sẽ tiếp tục chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn với tần suất xuất hiện thường xuyên hơn.

thoi tiet cuc doan anh 4

Một bé gái bán nước giữa trời nắng nóng ở New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 27/4. Ảnh: Reuters.

Nếu các hiện tượng cực đoan tiếp tục diễn ra theo tần suất đáng báo động hiện tại, trong tình huống xấu nhất, vị chuyên gia lo ngại thế giới sẽ chứng kiến hàng loạt "bất ổn về dân sự và các cuộc chiến vì tài nguyên nước".

Sự thay đổi lớn về địa vật lý trên toàn cầu cũng là điều mà bà lưu tâm. "Tác động địa vật lý của biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều nơi chịu thời tiết khắc nghiệt hơn, khô cằn và hạn hán hơn. Một số địa điểm sẽ dễ bị tổn thương hơn những địa điểm khác trước tác động của biến đổi khí hậu".

Dẫu vậy, vị chuyên gia nói rằng vẫn chưa chắc chắn những năm tới có chứng kiến nhiều hiện tượng mang tính kỷ lục như năm nay hay không, do tự nhiên sẽ còn "biến thiên", và con người vẫn có thể hành động.

"Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, chúng ta cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đối phó với các hiện tượng cực đoan và hạn chế tác động của chúng", nhà khoa học khí hậu kêu gọi.


Tác giả: Hồng Ngọc, Hải Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật