Bắt nạt trẻ em - hành vi cần kiên quyết xử lý
Những hành vi có tính chất bạo hành, bạo lực, gây tổn hại đến thể chất và tinh thần trẻ đều cần phải xử lý nghiêm, dù là “cố ý” hay “bộc phát”.
Khi người lớn “bắt nạt” trẻ em
Mới đây, sự việc người đàn ông hành hung cháu bé 4 tuổi ở khu vui chơi thiếu nhi tại Hà Nội đã khiến dư luận bức xúc. Cháu gái 4 tuổi khi về nhà bị sợ hãi, hoảng loạn nên gia đình yêu cầu trích xuất camera và phát hiện sự việc. Người đàn ông được triệu tập đến cơ quan công an và khai nhận: lúc chơi bóng, cháu bé đã ném bóng vào mặt nên anh này nổi giận, dùng chân và tay đánh 2-3 phát vào người cháu, đồng thời lớn tiếng hăm doạ. Người này cũng bày tỏ ân hận và đến nhà xin lỗi gia đình cháu bé. Nhiều bậc phụ huynh khi xem clip đều bày tỏ phẫn nộ trước hành vi của người đàn ông trên, chỉ từ lý do nhỏ mà hung hăng đánh cháu bé, gây ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ.
Đã không ít vụ việc trẻ em trong lúc vui đùa bị người lớn nổi giận, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nơi công cộng. Cách đây ít lâu, một người đàn ông ở Lào Cai cũng lao vào lớp mẫu giáo con mình đang học để tát tới tấp, nắm tóc và đánh đập một bé gái 2 tuổi, là bạn học của con để “trừng trị” tội dám đánh con mình.
Vài tháng trước, tại Thái Bình cũng xảy ra một sự việc gây bức xúc dư luận: một người bố vì can thiệp chuyện mâu thuẫn, nói xấu nhau trên Facebook của con cái mà xông đến đánh bạn học của con đến mức nhập viện. Sự việc khác tương tự tại Nghệ An: một phụ huynh lớp 3 đã đến lớp con, tát vào mặt bạn cùng lớp con và buông lời xúc phạm, hăm doạ vì bạn này “dám” cắn con mình trong lúc chơi đùa.
Thực tế, ở trên phố, nơi công cộng, không khó để bắt gặp cảnh những người lớn “sửng cồ”, chỉ vào mặt, chửi bới, hăm doạ trẻ em. Có clip còn quay lại cảnh một người phụ nữ chen lấn xếp hàng và trong khi va chạm với một học sinh cấp 2 đã hung hăng đòi “dạy” cháu một bài học.
Có không ít người lớn không cho rằng hành vi chửi bới, hăm doạ, đánh trẻ em là sai, vi phạm pháp luật. Nhiều người trong số họ đơn giản nghĩ rằng, là người lớn thì có quyền “dạy” khi bọn trẻ bị cho là “láo, mất dạy”. Thế nên, có những người cha, người mẹ dạy con liên tục bằng đòn roi, nắm đấm. Có những cô giáo mầm non, những người mang danh nuôi dạy trẻ từ thiện lại dùng những hình phạt khắc nghiệt để trừng trị trẻ.
Có những ông bố, bà mẹ thay vì nói chuyện văn minh lại tìm bạn học con mình để trả đũa bằng đòn roi, khi giữa bọn trẻ phát sinh mâu thuẫn. Có những bậc người lớn, ở nơi công cộng sẵn sàng đánh đập, chửi bới trẻ em để “dạy cho chúng bài học” khi có va chạm. Cũng không ít sự việc, trẻ em bị đánh, bắt nạt nơi công cộng nhưng lại nhận sự thờ ơ, không can thiệp của những người xung quanh, như không liên quan đến mình.
Tạo môi trường sống an toàn hơn cho trẻ
Trở lại sự việc người đàn ông 34 tuổi đánh cháu bé 4 tuổi ở khu vui chơi, một số ý kiến cho rằng đây là hành vi “lỡ tay” hay nóng giận bộc phát, nếu đã xin lỗi thì gia đình và dư luận xã hội nên “bỏ qua”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng hành vi như trên là côn đồ, bạo lực và cần phải xử nghiêm để răn đe những kẻ manh nha có hành vi bạo lực với trẻ em để trút giận cho bản thân mình. Thực tế, người Việt vẫn thường có tâm lý “dĩ hoà vi quý”, nổi giận ban đầu nhưng xuê xoa, dễ tha thứ, mau quên. Đây cũng là một yếu tố khiến cho nhiều hành động bạo lực, sai trái không bị trừng phạt, vẫn được dung dưỡng và lập lại sau này.
Trước những hành vi bắt nạt, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần trẻ nên có thái độ kiên quyết và đến cùng. Bởi, một hành động đánh trẻ nơi công cộng không nhận bài học xứng đáng, sau này, có thể có nhiều vụ việc đánh trẻ em nơi công cộng nữa. Người sẵn sàng ra tay đánh đập trẻ không quen ở chốn đông người vì một lỗi lầm nhỏ bé, rất có thể sẽ tiến triển thành những hành vi bạo lực với trẻ em, thậm chí cả con cái mình, hậu quả khó lường.
Theo các luật sư, trong trường hợp nói trên, phụ huynh có thể đưa con mình đi giám định tổn thương để biết được mức độ ảnh hưởng của hành vi bạo lực đến cháu bé. Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nguời khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thuộc trường hợp đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Cạnh đó, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em có quy định các hành vi như xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa... ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần... chính là các hành vi xâm phạm quyền trẻ em và phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Trẻ em cần được chăm sóc, dạy dỗ và nâng niu, không phải bị đối xử bằng bạo lực và đòn roi.
Việc xử lý nghiêm những người có hành vi bạo lực với trẻ em không chỉ nhằm trừng phạt người có hành vi sai trái. Hơn hết, việc này nhằm đưa pháp luật vào trong đời sống, hạn chế sự “nhờn luật”, góp phần tạo ra một môi trường sống văn minh, an toàn hơn cho trẻ nhỏ.