A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo hậu quả lâu dài do rối loạn lo âu ở trẻ em

Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra cảnh báo về những vấn đề rắc rối trong gia đình, áp lực học tập, công việc và suy nghĩ tiêu cực là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng sự căng thẳng ở trẻ em và vị thành niên. Tuy nhiên, nếu sự lo lắng kéo dài dai dẳng và quá mức so với thực tế, đó có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu liên quan đến áo lực học tập

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhi M - một học sinh ở Hà Nội phải đi khám tâm lý.

Áp lực khi chuyển cấp học ở một trường chuyên khiến M (15 tuổi ở Hà Nội) phải học suốt ngày đêm. Em không thiết làm việc gì khác, không muốn ăn và luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ.

Áp lực học tập khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Ảnh minh hoạ.

Áp lực học tập khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý (Ảnh minh họa)

Em M vốn là học sinh giỏi. Tuy nhiên, từ khi đỗ vào cấp 3 trường chuyên, em cảm thấy “ngợp” vì quá nhiều sự cạnh tranh. Các bạn học đều là học sinh giỏi và chương trình học ngày càng khó.

Sợ mình bị rơi xuống nhóm cuối của lớp, bạn bè và bố mẹ nghĩ mình kém nên M học suốt ngày đêm. Em thức thâu đêm để học, không còn tư tưởng làm việc gì khác, thậm chí không muốn ăn. Càng ngày M càng thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ và luôn trong tình trạng ngủ không sâu giấc.

M giấu những suy nghĩ và những biểu hiện của mình nên bố mẹ cho rằng con mình vẫn bình thường. Tuy nhiên, gần đây, bố mẹ nhận thấy M ngày càng gầy, giảm cân không rõ lý do nên lo lắng đưa em đi khám.

Tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán, M bị rối loạn lo âu liên quan đến những áp lực về học tập.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh chia sẻ, áp lực học tập là vấn đề mà bất kỳ học sinh nào đều phải đối mặt, đặc biệt là vào thời điểm chuyển cấp. Áp lực học tập cũng có thể xuất phát do đặt nặng thành tích từ phía nhà trường hoặc gia đình. Ngoài ra, đôi khi chính do bản thân trẻ tự đặt áp lực vì không muốn thua kém bạn bè hoặc đặt ra những yêu cầu cao hơn so với khả năng của mình.

Chuyên gia này cũng chỉ ra các dấu hiệu nhận biết trẻ bị căng thẳng, áp lực học tập. Đó là các dấu hiệu thay đổi về tâm lý như: Căng thẳng, lo lắng, giảm hứng thú trong học tập, cô lập bản thân và không muốn giao tiếp với bạn bè và mọi người. Dần dần, trẻ đánh mất niềm vui trong học tập, sợ đến trường.

Bên cạnh đó, trẻ còn có các biểu hiện như mệt mỏi, mất ngủ, học kém tập trung, ăn uống kém. Nếu vấn đề này kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm…; Hoặc các bệnh lý về thể chất như suy nhược cơ thể, sụt cân.

Liệu pháp thư giãn luyện tập cho trẻ vị thành niên

Để giúp trẻ giảm căng thẳng, áp lực, theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, gia đình và nhà trường không nên đặt mục tiêu thành tích học tập quá mức đối với trẻ.

Gia đình và thầy cô giáo cần gần gũi và lắng nghe trẻ để biết được mong muốn và nguyện vọng về học tập của trẻ. Ngoài học tập, gia đình luôn bảo đảm cho trẻ có các hoạt động cân bằng, thư giãn như tham gia vui chơi giải trí, chơi thể thao, các hoạt động dã ngoại...

Áp lực học tập gây rối loạn lo âu ở học sinh

Các bài tập ở tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái, nhắm mắt, tay duỗi thẳng, cơ thể thả lỏng, cơ bắp để mềm hoàn toàn giúp giảm căng thẳng

“Khi trẻ có các dấu hiệu căng thẳng, áp lực như trên, gia đình nên chủ động đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ sẽ được thăm khám về các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, trẻ sẽ được làm một số bài trắc nghiệm tâm lý cần thiết bởi nhà tâm lý”, Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh lưu ý.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số cận lâm sàng để loại trừ một số chẩn đoán phân biệt hoặc nguyên nhân gây một số triệu chứng giống lo âu như: Bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tim mạch, bệnh lý tiêu hóa, dùng chất kích thích…

Áp lực học tập gây rối loạn lo âu ở học sinh

Các liệu pháp thư giãn luyện tập cho trẻ

Nếu không được điều trị, chứng rối loạn lo âu có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài và có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Thạc sĩ, điều dưỡng Ngô Thị Thanh Hoa, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Việc sử dụng các liệu pháp thư giãn luyện tập để giảm căng thẳng đã có từ hơn 100 năm trước với kỹ thuật thư giãn của nhà tâm lý học Edward Jacobsen, như bài tập căng cơ và thả lỏng cơ thể.

Sau nhiều năm, liệu pháp thư giãn luyện tập đã được phát triển bao gồm: Các bài tập hít thở và thiền. Đây được coi là một trong những bài thuốc “giải độc” cho căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, stress ở trẻ vị thành niên. Thư giãn có thể chống lại các biểu hiện sinh lý và hành vi của stress".

Khoa học đã chứng minh, thư giãn cũng làm thay đổi tích cực đến chức năng miễn dịch, tiết insulin và chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, trẻ vị thành niên được luyện tập thư giãn dựa trên sự tập trung chú ý thụ động và nhận thức của cơ thể vào những cảm nhận đặc biệt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể trẻ.

"Hiện nay có nhiều liệu pháp thư giãn, phụ huynh có thể chọn cách thư giãn phù hợp nhất cho trẻ và chủ động luyện tập mỗi ngày. Phụ huynh tham khảo các bài tập để khuyến khích, đồng hành cùng trẻ luyện tập thư giãn, tham gia các hoạt động thể thao và ngoại khóa như: Yoga, thiền và âm nhạc… giúp trẻ tránh những căng thẳng, mệt mỏi, stress, có một môi trường lành mạnh để phát triển một cách toàn diện", điều dưỡng Ngô Thị Thanh Hoa nhấn mạnh.


Tác giả: Phương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật