A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngộ độc thực phẩm: Quà vặt không phải chuyện vặt

Sự việc tại Trường Trung học cơ sở Bình Minh (huyện Thanh Oai) thông tin có nhiều em học sinh có triệu chứng ngộ độc thực phẩm khi uống nước không rõ nguồn gốc được phát miễn phí tại cổng trường. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về thực phẩm bán rong tràn lan.

Ngộ độc thực phẩm: Quà vặt không phải chuyện vặt
Tin nhắn cảnh báo của giáo viên về sự việc

Liên quan tới thông tin một số em học sinh Trường Trung học cơ sở Bình Minh (Huyện Thanh Oai, Hà Nội) có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng nước ngọt đóng chai được phát miễn phí ngoài cổng trường, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có mặt tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai, được biết sức khỏe các em học sinh đã ổn định sau 1 ngày điều trị tích cực và được xuất viện vào chiều ngày 1/10.

Ngộ độc thực phẩm: Quà vặt không phải chuyện vặt
Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai nơi các bệnh nhân điều trị.

Sau hai ngày kể từ khi sự việc diễn ra, tại cổng trường Trung học cơ sở Bình Minh và Trường Tiểu học Bình Minh I, các xe bán hàng rong đã không còn hoạt động.

Ngộ độc thực phẩm: Quà vặt không phải chuyện vặt
Trường Trung học cơ sở Bình Minh nơi xảy ra vụ việc

Sức hút “kỳ lạ” của đồ ăn vặt

Ghi nhận của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại khu vực xung quanh các cổng trường trên địa bàn TP Hà Nội không khó để bắt gặp các hàng quán vỉa hè, xe bán hàng rong kinh doanh đồ ăn vặt. Khách hàng chủ yếu là các em học sinh tại các cổng trường.

Những chiếc xe bán hàng rong đơn giản chỉ là một chiếc xe đạp hoặc xe đẩy nhỏ, cùng với đó bếp gas mini, chảo dầu, mỡ đã sử dụng qua nhiều lần lại trở thành điểm bán hàng được nhiều em học sinh ưa thích.

Điểm chung của những thực phẩm này được bán rộng rãi này đa phần đều không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, những món tôm viên, cá viên, phô mai chiên, thịt xiên nướng,.. hay các loại bánh kẹo, bim bim có hình thù rất bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, với giá thành rẻ chỉ từ 2.000 đến 10.000 đồng.

Chị Trương Diệu Thúy (phụ huynh học sinh của Trường THCS Văn Yên, Hà Nội) chia sẻ: “Trước kia, nhiều buổi chiều khi đón con tan học, tôi thường ghé các hàng ăn ở cổng trường để mua quà ăn vặt cho con như xúc xích, viên chiên, bánh gà,.. để chiều theo sở thích của con.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh sử dụng quà ăn vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường, đặc biệt là những xe hàng phát nước uống miễn phí cho các con. Vì thế, gia đình tôi đã chủ động chuẩn bị đồ ăn sẵn ở nhà cho con mang theo đến trường”.

Các xe bán hàng rong thường tập trung rất đông các em học sinh sau mỗi giờ tan học.
Các xe bán quà vặt thường tập trung rất đông các em học sinh sau mỗi giờ tan học.

Chị Phương Nga, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học La Khê (Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi thường hay cho con tiền ăn sáng trước giờ đi học. Có lần tôi phát hiện cháu không dùng số tiền đó để ăn sáng mà để dành đến giờ ra chơi góp tiền cùng các bạn mua đồ ăn vặt ngoài cổng trường. Đôi khi còn có người bán hàng tìm cách chuyển đồ qua hàng rào để bán cho các cháu.”

Rõ ràng, các món quà vặt ngoài cổng trường gần như không kiểm soát được các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Việc sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp có thể khiến trẻ mắc các bệnh mãn tính về gan, thận, thần kinh và gây ung thư. Rõ ràng, quà vặt không phải là chuyện vặt.

Cần có cách xử lý triệt để

Trao đổi với cô giáo Ngô Thục Anh (giáo viên Văn tại trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội), giáo viên chia sẻ, các em học sinh thường tập trung rất đông ở các xe viên chiên ngoài cổng trường sau giờ tan học, thường vào 16 - 17h chiều. Nhà trường cũng đã có rất nhiều biện pháp ngăn chặn từ tuyên truyền cho học sinh, nhưng những xe bán hàng rong thì lại rất khó quản lý.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 về việc ngăn ngừa xử lý ngộ độc thực phẩm, Bộ Y Tế đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp cùng các cơ quan chức năng có liên quan triển khai khẩn trương việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nhất là đối với thức ăn đường phố.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích, tác hại đầu tiên khi sử dụng thực phẩm không an toàn là ngộ độc thực phẩm. Tiếp đến là các chất bảo quản, phụ gia, hóa chất, phẩm màu có trong những loại thực phẩm. Thêm vào đó, những loại thực phẩm bày bán ở các gánh hàng rong đều dư lượng muối, đường và các chất béo bất lợi cho sự phát triển đến sức khỏe của học sinh.

Hiện nay, việc kiểm tra an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn. Việc kiểm tra ở các trường học thường chỉ tập trung vào bếp ăn, căng-tin. Vậy nên, các quán ăn, xe hàng di động, gánh hàng rong trước cổng trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để.

Bên cạnh đó, các gia đình, nhà trường cũng nên dành thời gian quan tâm, giáo dục học sinh về thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời cần phối hợp có hiệu quả với các cơ quan chức năng tại địa phương để kiểm tra các địa điểm kinh doanh ngay tại cổng trường, đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm đối với chủ hộ kinh doanh hàng rong, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không tuân thủ các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật